Triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự

23/10/2021
Triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều nay, 23/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2021.
Đã thi hành xong 494.505 việc
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, về công tác thi hành án dân sự (THADS), về công tác hoàn thiện thể chế, chỉ đạo điều hành, năm 2021, Chính phủ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, hoàn thiện thể chế về THADS và nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với hoạt động THADS.
Bộ Tư pháp đã ban hành 2 Thông tư, 2 Đề án; Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ban hành 1 Nghị quyết để lãnh đạo công tác THADS.
Đặc biệt, trong năm Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương trên toàn quốc, diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị bằng hình thức trực tuyến, tăng cường lưu hành văn bản trên môi trường mạng (trục liên thông văn bản quốc gia), đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện phương án làm việc linh hoạt, vừa đảm bảo các quy định về phòng chống dịch vừa đảm bảo trình tự, thủ tục luật định nhằm cố gắng hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Về kết quả THADS, thi hành án hành chính (THAHC), Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, tổng số việc phải thi hành là 843.917 việc. Số việc có điều kiện thi hành là 652.177. Đã thi hành xong là 494.505 việc, đạt 75,82%.
Về tiền, tổng số phải thi hành là trên 289.190 tỷ đồng. Số có điều kiện thi hành trên 148.456 tỷ đồng. Đã thi hành xong trên 46.328 tỷ đồng, đạt 31,21%.
Đã xét miễn, giảm 4.830 việc, với số tiền trên 19,7 tỷ đồng. Các cơ quan thi hành án trong Quân đội đã xét giảm 2 việc với số tiền là trên 24 triệu đồng.
Về kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng, đã thi hành xong là 4.503 việc, thu được trên 18.246 tỷ đồng.
Về kết quả thi hành án kinh tế - tham nhũng, đã thi hành xong 2.697 việc, thu được trên 4.094 tỷ đồng.
Thông tin về áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong THADS, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, các cơ quan THADS đã ra 11.370 quyết định, trong đó có 7.814 trường hợp cưỡng chế không huy động lực lượng.
Cơ quan Thi hành án trong quân đội đã ban hành 17 quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế thành công 17 việc.
Về công tác phối hợp tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đối với phạm nhân tại các Trại giam, đã thi hành xong 47.742 việc, thu được số tiền là trên 3.631 tỷ đồng.
Về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THADS, Bộ Tư pháp và các cơ quan THADS đã tiếp 9.342 lượt công dân, tiếp nhận 8.894 đơn khiếu nại, tố cáo. Đã giải quyết xong 2.597 việc/2.665 việc, đạt tỷ lệ 97,44%.
Đối với công tác bồi thường Nhà nước số vụ việc đã giải quyết xong là 6 vụ việc, đang xem xét giải quyết 10 vụ việc.
Về THAHC, đã tiếp nhận 944 bản án, quyết định về hành chính. Đã thi hành xong 455/944 bản án, quyết định. Đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 258 vụ việc; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 67 vụ việc; đăng tải công khai và theo dõi đối với 322 quyết định buộc THAHC.
Tổ chức, bộ máy cơ quan THADS tiếp tục được kiện toàn, việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng.
Bên cạnh đó, công tác THADS cũng còn một số tồn tại, hạn chế như kết quả thi hành về việc, về tiền của toàn hệ thống vẫn còn thấp so với yêu cầu; còn tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế được chỉ ra là do đại dịch COVID-19 bùng phát phức tạp tại nhiều địa phương nên hoạt động THADS (chủ yếu tác nghiệp tại cơ sở, thực địa như xác minh điều kiện thi hành án, làm việc trực tiếp với các đương sự để xác minh, kê biên, xử lý tài sản…) bị gián đoạn.
Số tiền phải thi hành theo các bản án, quyết định trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế rất lớn (chiếm 24,9% về tiền so với tổng số phải thi hành), nhiều bản án mới có hiệu lực thi hành đang trong quá trình xử lý tài sản, nhiều vụ việc người phải thi hành án không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị nhỏ hơn nhiều so với nghĩa vụ thi hành án. Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt. Hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ quan có liên quan trong một số trường hợp chưa cao; có lúc, có việc còn chậm.
Đề nghị bổ sung quy định mới về trường hợp ủy thác xử lý tài sản
Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác THADS, Chính phủ sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết đại hội XIII; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 vào lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác THADS.
Cùng với đó, tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, THAHC theo Nghị quyết số 96/2019/QH14.
Chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS; quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả quy định các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với công tác THADS, THAHC.
Chính phủ dề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát theo thẩm quyền đối với công tác THADS, THAHC, Thừa phát lại, thi hành án hình sự.
Đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Luật THADS quy định mới về trường hợp ủy thác xử lý tài sản trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau để tạo điều kiện rút ngắn thời gian và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án, đặc biệt trong trường hợp thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường kiểm sát THADS, THAHC ngay từ giai đoạn thụ lý thi hành án, nhất là công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Minh Khôi
 

baophapluat.vn