Phát biểu tại phiên họp của Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 chiều 21/7, một số ý kiến đại biểu đánh giá việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2020 đã có những bước tiến khá rõ nét.
Chủ động trong xây dựng pháp luật
Phát biểu tại phiên họp, một số đại biểu đánh giá cao chất lượng công tác xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua. Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đánh giá, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung nỗ lực, thực hiện tốt việc thể chế hoá đường lối của Đảng, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hiến pháp 2013 trong các đạo luật nhất định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chất lượng dự án luật được trình thông qua đã được cải thiện và nâng cao.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đánh giá việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội (QH trong năm 2020 đã có những bước tiến khá rõ nét. Việc tổ chức thực hiện có nhiều cải tiến; phương pháp làm có đổi mới; trong đó sự phối hợp giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra ngày càng chặt chẽ hơn, sự chuẩn bị có chủ động hơn, trách nhiệm của cả cơ quan trình dự án luật và cơ quan thẩm tra đã được nâng lên.
Tuy nhiên, đại biểu Tám và đại biểu Bé cũng chỉ ra một số tồn tại như việc thể chế hóa nghị quyết của Đảng, việc cụ thể hóa các quy định Hiến pháp về tự do ngôn luận, tự do lập hội… còn chậm. Việc điều chỉnh chương trình, đưa dự án luật vào chương trình rồi lại rút ra, hồ sơ trình chưa đảm bảo về thời gian… đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, việc “dự án luật đưa vào chương trình với lý do hết sức cần thiết rồi lại xin rút khỏi chương trình cũng đầy đủ các lý do” tạo ra thế bị động cho QH đồng thời làm cho việc tổ chức thực hiện nghị quyết của QH về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh không được nghiêm.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, thực tiễn luôn biến động; quá trình chấp hành, điều hành, quản lý phải bám sát thực tiễn để đề xuất, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý tương ứng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do vậy, việc Chính phủ đề xuất điều chỉnh đưa vào, đưa ra dự án luật nào đó là có thể giải thích được.
Song, như nhận định trong tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH, nguyên nhân chủ yếu không phải khách quan mà chủ yếu là tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật, công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm. Trong lập, đề nghị xây dựng dự án luật, pháp lệnh, một số cơ quan được giao chủ trì, chuẩn bị chưa thực sự chủ động, thiếu sự quan tâm đầu tư thoả đáng, chưa bám sát yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chưa chú trọng công tác tổng kết, đánh giá tác động chính sách đến đời sống kinh tế - xã hội, môi trường...
Theo đại biểu Tám, đây là nhận định có cơ sở. “Nguyên nhân thuộc về chủ quan, có thể khắc phục được nhưng tại sao lại tồn tại nhiều năm? Phải chăng chưa có cơ chế, trách nhiệm rõ ràng? Do đó, cần xây dựng cơ chế, trách nhiệm pháp lý theo hướng cá thể hóa trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị và trình dự án luật trước QH”, đại biểu kiến nghị.
Đưa dự án luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình là cố gắng lớn của Chính phủ
Tại phiên họp, nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo tờ trình của Ủy ban thường vụ QH, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng.
Do đó, Ủy ban Thường vụ QH dự kiến đưa dự án Luật này vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo quy trình tại ba kỳ họp. Trong quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng dự án tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn, Ủy ban Thường vụ QH sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình tại hai kỳ họp.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, đây là dự án được cử tri và nhân dân quan tâm. Đại biểu đánh giá việc Chính phủ đề nghị cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 3, năm 2022 và thông qua vào Kỳ họp thứ 4 năm 2022, UBTVQH đề nghị thông qua theo quy trình 3 kỳ họp là sự thận trọng có cơ sở bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề.
“Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ là quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai. Trên thực tế, việc quản lý, sử dụng đất đai cho thấy, đất đai chưa trở thành nguồn lực lớn, chưa được sử dụng tốt để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tiêu cực, sai phạm xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều địa phương trong quá trình giao đất, thu hồi đất. Tôi nghĩ rằng, cần khẳng định thông qua 3 kỳ họp bởi tính phức tạp cả về lý luận, thực tiễn của vấn đề sở hữu và vấn đề quản lý, sử dụng đất đai”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng bày tỏ “rất mừng vì chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, QH đã đưa dự án luật Đất đai (sửa đổi) vào theo phản ánh của cử tri cả nước”. Phân tích dự kiến tiến độ thông qua dự án luật này, đại biểu Bé nhấn mạnh, đây là một dự án luật có tác động đến nhiều quy định của các văn bản pháp luật khác.
Do đó, đại biểu thống nhất theo phương án thông qua tại 3 kỳ họp nhưng kiến nghị đẩy sớm, đưa dự án luật ra cho ý kiến vào cuối năm 2021 để hoàn thành việc sửa đổi luật sớm hơn, kịp thời giải quyết những vấn đề bất cập trong quản lý đất đai hiện nay.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định Chính phủ thời gian qua đã hết sức cố gắng để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được các đại biểu QH đề cập.
Bộ trưởng Lê Thành Long tiếp thu ý kiến các đại biểu để báo cáo Chính phủ để có giải pháp mạnh mẽ hơn. Về chuẩn bị chương trình năm 2022, điều chỉnh chương trình năm 2021, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết đây là sự tiếp nối nhất quán của Chính phủ trước và sau khi kiện toàn.
Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định việc đưa dự án Luật đất đai (sửa đổi) vào chương trình là một sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong bối cảnh hiện vẫn còn ý kiến khác nhau và còn đợi các quyết sách của các cơ quan có thẩm quyền.
Về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định Chính phủ đã và đang làm hết sức những phần việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
“Một số nghị quyết xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ công bố; sắp tới sẽ ban hành một số nghị quyết khác. Đối với việc xử lý một số công việc cụ thể, Chính phủ đang chuẩn bị, sắp tới sẽ trình Quốc hội luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến phòng chống Covid-19, thúc đẩy sản xuất kinh doanh như một số điều trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, luật Dược, luật Hải quan…”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng tán thành ý kiến của các đại biểu QH về việc phải xác định rõ tính chất pháp lý, đảm bảo có sự gối đầu, liên tục khi đưa các dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Hoàng Nam
baophapluat.vn