Đảm bảo đúng tiến độ xây dựng các dự án luật, pháp lệnh

18/05/2021
Đảm bảo đúng tiến độ xây dựng các dự án luật, pháp lệnh
Chiều 18/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp liên ngành giải trình ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đối với đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021.
Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: Ngày 25/02/2021, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Tờ trình số 63/TTr-CP) đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.  Ngày 23/4/2021, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức Phiên toàn thể để thẩm tra Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021. Ngày 12/5/2021, Ủy ban Pháp luật đã có Công văn số 3961/UBPL14 gửi Chính phủ đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình ý kiến thẩm tra.
Một trong các nguyên tắc lập Chương trình năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021 đã được Chính phủ xác định tại Tờ trình số 63/TTr-CP là ưu tiên đề xuất vào Chương trình năm 2022 và bổ sung Chương trình năm 2021 các dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XIII của Đảng; các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, 6, 7 và 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, các Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật… Thực hiện các cam kết quốc tế; Bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, do Chương trình năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021 được lập khi Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang tiến hành, do đó, Chính phủ đã đề xuất một nguyên tắc khi lập Đề nghị về Chương trình này là phải bảo đảm tính linh hoạt, có “độ mở” và phải tính đến khả năng trong năm 2021 và 2022 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các dự án cần ban hành, sửa đổi, bổ sung để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng theo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII.
Báo cáo giải trình đã nêu lên một số vấn đề liên quan đến một số luật cụ thể như: đề nghị xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự nhằm thực hiện Hiệp định CPTPP; việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013; về 03 dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành đã trao đổi, thảo luận và cho ý kiến cụ thể về sự cần thiết, nội dung, tiến độ xây dựng các Luật do Bộ mình chủ trì soạn thảo. Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các Bộ, ngành cần chú ý tới việc chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ các dự án luật đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đảm bảo đúng tiến độ.
Theo nhận định của Bộ trưởng, trong bối cảnh sau khi triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các Bộ, ngành đang triển khai nhiều mặt công việc nên sẽ có những điều chỉnh nhất định đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021. Tuy nhiên, Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành tập trung vào việc bổ sung Chương trình năm 2021, cố gắng không lùi thời hạn đối với các dự án luật có thể đưa được ngay vào Chương trình năm 2021, trong đó lưu ý nêu rõ tiến độ, thời gian thực hiện.
 
N.D