Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao vai trò của Bộ Tư pháp trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHCNN 2011-2020

19/03/2021
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao vai trò của Bộ Tư pháp trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHCNN 2011-2020
Ngày 18/3, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh – Thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tham dự Hội nghị.
Cải cách hành chính được Đảng, Nhà nước xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược để đưa nước ta phát triển nhanh, bền vững. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp, công tác cải cách hành chính đã được triển khai toàn diện, đồng bộ và thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.
Đánh giá chung về cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn 2011 - 2020 tại Hội nghị cho thấy, quá trình thực hiện cải cách hành chính nhà nước thời gian qua, gắn với triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Trong đó, thể chế của nền hành chính, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế về mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân được hoàn thiện, củng cố và được triển khai có hiệu quả trên thực tế. Thông qua đó, nền hành chính đã có chuyển biến tích cực theo hướng nền hành chính dân chủ, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, xã hội và sự phát triển của đất nước. Công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đặc biệt là những luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, được các cơ quan nhà nước trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao. Sau hơn 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 70 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật. Kết quả xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 cùng với kết quả thực hiện những chủ trương của Đảng đối với công tác hoàn thiện pháp luật thời gian qua là nền tảng, một trong những trọng tâm của cải cách thể chế tại Chương trình tổng thể. Việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có nhiều đổi mới, tạo sự linh hoạt, tăng cường tính thích ứng nhanh của chính sách với các vấn đề kinh tế, xã hội. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã thường xuyên quan tâm, tập trung chỉ đạo xây dựng các thể chế thuộc phạm vi quản lý.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt đánh giá cao, biểu dương vai trò của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Văn phòng Chính phủ cùng với nhiều bộ, ngành, địa phương khác đã có nhiều nỗ lực, thành tích trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của mình, đồng thời, đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giúp các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt hơn nhiệm vụ cải cách hành chính thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận, đánh giá cao sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hiện đại hóa hành chính. Đối với công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030 tới đây, Thủ tướng Chính phủ mong muốn, công tác cải cách hành chính phải tiếp tục làm cho nước ta hùng mạnh; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình, từng bước hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã cùng với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu, giúp Chính phủ quán triệt và thực hiện nghiêm mục tiêu cải cách thể chế là xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, dựa trên hệ thống chính sách đã được hoạch định trong từng lĩnh vực phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Tư pháp đã tham gia tích cực với vai trò thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, đồng thời, Bộ Tư pháp cũng thuộc nhóm bộ dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho cá nhân Thứ trưởng Phan Chí Hiếu và tập thể Văn phòng Bộ Tư pháp.
Trong quá trình thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020, với một trong ba trọng tâm cải cách hành chính của Chính phủ là công tác cải cách thể chế, Bộ Tư pháp đã không chỉ đóng góp cho việc cải cách thể chế của riêng Bộ Tư pháp mà còn đóng góp vào việc cải cách thể chế chung của Chính phủ, nổi bật như: tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Ban hành VBQPPL; đề xuất nhiều giải pháp khắc phục những “lỗ hổng”, “khoảng trống” trong hệ thống pháp luật dân sự, kinh tế; quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành trong xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; tham mưu, giúp Chính phủ tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đảm bảo chất lượng, tiến độ; Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng đã tổ chức rà soát 10 chuyên đề, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, với gần 8.800 văn bản.…
Bộ Tư pháp đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính của mình, trong đó nổi bật là công tác rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, vận hành Cổng dịch vụ công của Bộ… Qua đánh giá Chỉ số cải cách hành chính của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ thì trong 05 năm gần đây, Bộ Tư pháp đều liên tục thăng hạng và duy trì vị trí nhóm 3 Bộ dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ. Bộ Tư pháp đã thực hiện tốt công tác phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thẩm định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh nói chung; đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, qua đó, đã góp phần cho nhận thức về công tác cải cách hành chính trong từng cơ quan, từng cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao; ý thức, trách nhiệm gắn kết công tác cải cách hành chính với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn cũng như vai trò của công tác cải cách hành chính ngày càng được khẳng định.
Trên cơ sở kết quả Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục hoàn thiện, tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 -  2030. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm, nỗ lực, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 -  2030 hứa hẹn sẽ tiếp tục góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp tinh gọn, thông suốt và hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân./.