Những ngày này, cả nước đang tích cực các công việc chuẩn bị cho sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng - bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Để cuộc bầu cử thành công, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước.
Tại Bộ Tư pháp, được biết tới đây, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”.
Cuộc thi được tổ chức nhằm mục đích hưởng ứng bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; khuyến khích, phát huy tinh thần chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật; nâng cao hiểu biết về pháp luật, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; góp phần tích cực động viên, khuyến khích các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng và tham gia bầu cử. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Cuộc thi còn có mục đích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, tạo điều kiện thuận lợi, sân chơi tìm hiểu pháp luật thực sự bổ ích, hiệu quả và sức lan tỏa lớn để thu hút người dân tham gia; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL. Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức trực tuyến; dự kiến sẽ được tổ chức từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 năm 2021 và tổng kết, trao giải trước ngày tổ chức bầu cử 23/5/2021.
Ở địa phương, các hoạt động tuyên truyền về bầu cử được các tỉnh hết sức coi trọng, coi đây là một trong những yếu tố góp phần vào thành công cuộc bầu cử. Tại Bắc Giang, Giám đốc Sở Tư pháp Đỗ Thị Việt Hà cho hay, tuyên truyền về bầu cử là một nhiệm vụ trọng tâm đang được Sở tập trung thực hiện. Theo đó, Sở Tư pháp đang biên soạn các tài liệu phục vụ tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để cấp phát cho cán bộ, nhân dân trong toàn tỉnh. Trên trang Web của Sở Tư pháp cũng như các cơ quan truyền thông của tỉnh cũng đã mở chuyên mục tuyên truyền về bầu cử với nhiều nội dung thiết thực.
Tại Quảng Bình, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân” trên địa bàn nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Với cơ cấu giải thưởng gồm có 24 giải thưởng dành cho cá nhân tham gia dự thi, cuộc thi hy vọng sẽ góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật về bầu cử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tại Đà Nẵng, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch về việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, UBND thành phố giao Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, phụ trách công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử. Đồng thời, nghiên cứu biên soạn số lượng 20.000 tờ gấp dưới hình thức hỏi - đáp tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, phát hành đến các chi bộ, tổ dân phố, thôn, bản, tổ hòa giải ở cơ sở... trên địa bàn thành phố. Xây dựng Bản tin Tư pháp số chuyên đề nhằm tuyên truyền, phản ánh nội dung về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
UBND TP cũng giao Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng mở chuyên mục, chuyên đề đăng tải, giới thiệu nội dung Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; thông tin về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; danh sách các ứng viên, tiểu sử những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; sử dụng hình thức phỏng vấn, phóng sự, đăng tải ý kiến cử tri, ý kiến của người ứng cử..., thông báo về diễn biến và kết quả bầu cử.
Chưa đầy 3 tháng nữa, cuộc bầu cử sẽ diễn ra, để cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về pháp luật bầu cử đóng vai trò hết sức quan trọng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, do đó các địa phương đều xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Việc tuyên truyền đang được ngành Tư pháp bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm góp phần tích cực vào sự thành công của cuộc bầu cử.
Thanh Nhàn
baophapluat.vn