Dấu ấn hợp tác quốc tế về pháp luật

17/02/2021
Dấu ấn hợp tác quốc tế về pháp luật
Năm vừa qua, công tác hợp tác quốc tế về pháp luật được triển khai một cách sáng tạo, chủ động, thích ứng với tình hình thế giới và trong nước, đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó phục vụ hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp nói chung và nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng, tạo tiền đề quan trọng cho giai đoạn tới.
Bảo vệ thành công Báo cáo về quyền dân sự, chính trị
Giai đoạn 2016-2020, Bộ Tư pháp đã tích cực tham gia đàm phán, tham mưu cho Chính phủ trong đàm phán, ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; tập trung rà soát, đánh giá tác động đối với hệ thống pháp luật Việt Nam khi tham gia các Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (IPA)…
Đặc biệt, năm 2019, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan bảo vệ thành công Báo cáo Quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) - Điều ước quốc tế quan trọng và phức tạp bậc nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua vào năm 1966 và có hiệu lực vào năm 1976. 
Với phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của mỗi cá nhân, Công ước ICCPR ra đời đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Tầm quan trọng và ý nghĩa của Công ước ICCPR được khẳng định mạnh mẽ bởi sự tham gia đông đảo của các quốc gia - hiện tại có hơn 170 quốc gia là thành viên của Công ước này và nội dung của Công ước luôn được đề cập tới khi thảo luận về các vấn đề quyền con người. Bộ Tư pháp xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Công ước.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đã kịp thời thẩm định, góp ý các điều ước, thoả thuận quốc tế, qua đó góp phần quan trọng bảo đảm yếu tố pháp lý trong quá trình hội nhập sâu, rộng của đất nước. Đối với công tác tương trợ tư pháp, đàm phán, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đàm phán, thực hiện thủ tục gia nhập 2 Công ước đa phương trong Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế có liên quan đến tương trợ tư pháp đó là Công ước năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (có hiệu lực ngày 1/10/2016) và Công ước năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (có hiệu lực từ ngày 3/5/2020).
Ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự với Hungari và phối hợp với Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đàm phán thành công 13 Hiệp định tương Trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù với nước ngoài. Tiếp tục thực hiện tốt chức năng đại diện cho Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; triển khai có hiệu quả việc thực thi Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp, ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. 
Bên cạnh đó, thể chế cho công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ngày càng được hoàn thiện trong giai đoạn 5 năm vừa qua, nhất là năm 2020. Bộ Tư pháp đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài, Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ), Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế. 
Qua đó, Bộ Tư pháp đã thể hiện tốt vai trò cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương giải quyết các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế và vai trò là cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế. Việc giải quyết thành công các vụ kiện đã phản ánh trung thực, khách quan việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh của Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; khẳng định chính sách rõ ràng và nhất quán của Việt Nam là luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành đầu tư, kinh doanh một cách hợp pháp tại Việt Nam; đồng thời đã bảo vệ lợi ích quốc gia về mặt pháp lý trong quá trình đất nước ngày càng hội nhập sâu, rộng với kinh tế quốc tế.
 

 
Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật ASEAN 2020.
Ký kết nhiều thỏa thuận, chương trình hợp tác quan trọng
Công tác quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật thời gian qua ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu và hiệu quả, góp phần cung cấp thông tin, kiến thức, kinh nghiệm quốc tế cho các cơ quan pháp luật và tư pháp tiếp thu có chọn lọc, phù hợp với truyền thống, thực tiễn Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2020, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan hoàn thành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu Ban Bí thư ban hành Kết luận số 73-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-KL/TW; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 84/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Kết luận 73-KL/TW, để thúc đẩy và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác quốc tế về pháp luật trong thời gian tới…
Năm 2020, trong điều kiện ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, công tác hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật được triển khai một cách sáng tạo, chủ động, thích ứng với tình hình thế giới và trong nước, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp. 
Bộ Tư pháp đã tổ chức làm việc trực tuyến để ký kết và triển khai nhiều thỏa thuận, chương trình hợp tác với các đối tác truyền thống, chiến lược với Bộ Tư pháp các nước Lào, Đức, Pháp, Azerbaijan; đàm phán thành công Dự án hợp tác pháp luật mới với JICA Nhật Bản giai đoạn 2021-2026, gia hạn Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) và Dự án ODA hỗ trợ cho Học viện Tư pháp Lào; ký Thỏa thuận hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào giai đoạn 2021-2025 tại Kỳ họp lần thứ 43 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào do Thủ tướng Chính phủ hai nước đồng chủ trì; ký Bản Ghi nhớ hợp tác về pháp luật và tư pháp với Bộ Tư pháp Nhật Bản trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản; đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật ASEAN 2020 trong năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Thúc đẩy quan hệ quốc tế, kiện toàn thể chế
Để tiếp tục phát huy những kết quả trên, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục chủ động, sáng tạo và có giải pháp phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp để triển khai hiệu quả các chương trình, thỏa thuận hợp tác đã ký với các đối tác quốc tế. Tập trung thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với nước có quan hệ đặc biệt (triển khai tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 5), tăng cường thực hiện các hoạt động hợp tác với các đối tác chiến lược (Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức…).
Song song với đó là tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 22/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 73-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-KL/TW. Đánh giá tình thực hiện Nghị định 113/2014/NĐ-CP về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật đối với công tác này. Đánh giá kết quả thực hiện Đề án định hướng tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp giai đoạn 2017-2021; nghiên cứu, xây dựng Đề án định hướng tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp giai đoạn 2022-2026.
Đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về cấp ý kiến pháp lý; thường xuyên rà soát các quy định pháp luật trong nước để phục vụ việc gia nhập, triển khai các hiệp định thương mại. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động hơn trong việc phòng ngừa, nâng cao hiệu quả giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện trong đầu tư quốc tế. Bộ Tư pháp tiếp tục chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ chủ trì, đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế và xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến hội nhập quốc tế. Tăng cường cung cấp thông tin, phối hợp liên ngành trong giải quyết các vụ việc tranh chấp đầu tư.
Lê Hồng

baophapluat.vn