Ngày 19/11, Đoàn công tác của Hội đồng phối hợp liên ngành (HĐPHLN) về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng Trung ương do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với HĐPHLN về TGPL trong hoạt động tố tụng tại tỉnh Đắk Nông.
Theo báo cáo tại buổi làm việc: Thời gian qua, các đơn vị đã bám sát các nội dung hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC (Thông tư liên tịch số 10) và Quyết định số 3224/QĐ-HĐPH ngày 31/12/2019 của Hội đồng phối hợp liên ngành (HĐPHLN) về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương ban hành Kế hoạch phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2020.
Nhằm triển khai đồng bộ, thống nhất và hiệu quả Thông tư liên tịch số 10, HĐPHLN về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Đắk Nông đã đưa nhiều biện pháp như ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; Tổ chức tập huấn, quán triệt nội dung; Thực hiện truyền thông về TGPL trong hoạt động tố tụng trên các phương tiện thông tin đại chúng; Hướng dẫn, giải đáp, thực hiện chế độ kiểm tra, theo dõi và đánh giá thực hiện
Báo cáo cũng cho thấy, hoạt động TGPL của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều thành tích vượt bậc, tăng cả về số lượng và chất lượng.
Cụ thể, năm 2019, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh thụ lý 169 vụ việc; Hoàn thành 158 vụ việc tham gia tố tụng cho 158 lượt người. Tăng 147% so với năm 2018 (năm 2018 hoàn thành 64 vụ việc tham gia tố tụng). Năm 2020 (từ 01/01/2020 đến 30/9/2020): Trung tâm thụ lý 119 vụ việc; Hoàn thành 96 vụ việc tham gia tố tụng cho 96 lượt người.
Chất lượng bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho đối tượng được TGPL của các Trợ giúp viên pháp lý ngày càng được khẳng định khi các vụ án hình sự được các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là HĐXX chấp nhận các tình tiết có lợi cho đối tượng theo đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý ngày càng nhiều; Góp phần nâng cao trách nhiệm và chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng các cấp, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan sai, giảm bớt kháng cáo, kháng nghị.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 10, Trung tâm đã thực hiện cung cấp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; Bảng thông tin về người được trợ giúp pháp lý, Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người bị buộc tôi, người bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý, Thông báo về trợ giúp pháp lý, Thông tin về trợ giúp pháp lý và Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Cung cấp danh sách, số điện thoại của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác cho các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện, cơ sở giam giữ và trại giam.
Trong năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2020, 100% các trợ giúp viên của Trung tâm tham gia tố tụng đạt chỉ tiêu tốt. Năm 2019, Trung tâm có 57 vụ việc tham gia tố tụng thành công; Năm 2020 (từ 01/01/2020 đến 31/10/2020), có 43 vụ việc trợ giúp pháp lý được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng người bị buộc tội nhận mức án thấp hơn so với đề nghị của Viện KSND và vụ việc mà người thực hiện TGPL bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL tại bản án.
Tuy nhiên, một số cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa nắm rõ các quy định của Thông tư liên tịch số 10. Việc giải thích quyền được TGPL cho các bị can, bị cáo trong vụ án hình sự có đơn vị còn chưa lập thành biên bản; Việc theo dõi, vào sổ chưa đầy đủ nên có đơn vị chưa thống kê được chính xác số đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong tổng số đối tượng thụ lý. Số lượng vụ việc mà các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam hướng dẫn cho các đối tượng được TGPL và cung cấp thông tin cho Trung tâm TGPL chưa nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu TGPL của các đối tượng.
Hạn chế trên do một số cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện chưa quan tâm đến mục đích, ý nghĩa của công tác TGPL trong hoạt động tố tụng. Việc phổ biến quán triệt đến cán bộ, công chức trong đơn vị chưa được sâu rộng, nhận thức về pháp luật TGPL của một số cán bộ còn hạn chế nên kết quả công tác phối hợp còn chưa cao. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin về đối tượng được TGPL giữa các cơ quan tố tụng cấp huyện và Trung tâm TGPL còn hạn chế, chưa thường xuyên.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cùng trao đổi ý kiến, thảo luận về trách nhiệm của các thành viên của Hội đồng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ… trong công tác phối hợp TGPL. Đồng thời nêu ra các giải pháp, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở địa phương.
Ông Nguyễn Đình Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông hoan nghênh những kết quả tích cực trong công tác TGPL thời gian qua. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động TGPL chưa đáp ứng được yêu cầu, còn rất nhiều nhiều việc để làm.
Ông Trung đề nghị: Cần kiện toàn lại HĐPHLN cho phù hợp, rà soát lại quy chế làm việc một cách chi tiết. Gắn chế độ báo cáo của từng đơn vị, địa phương với HĐPHLN, hội đồng với ủy ban, nếu được có thể là 3 tháng báo cáo 1 lần. Thứ hai, cần có quy định cụ thể, bắt buộc cho từng khâu, chế tài xử lý vụ việc. Thứ ba, Thủ trưởng các cơ quan Thành viên của Hội đồng cần đẩy mạnh việc quán triệt nội dung Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT đến toàn cơ quan, nhất là đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán,… nhằm giúp họ nhận thức và nâng cao trách nhiệm của mình khi thực hiện nhiệm vụ. Đảm bảo 100% các đối tượng được TGPL đều được giải thích về quyền được TGPL. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc nảy sinh để giải quyết. Thứ tư, về kinh phí, thiết bị, phương tiện TGPL đề nghị Sở Tài chính quan tâm, tạo điều kiện tương xứng với ý nghĩa của hoạt động.
ết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi ghi nhận những kết quả về công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng tại Đắk Nông trong năm 2019 và 9 tháng năm 2020.
Thứ trưởng Khôi khẳng định: TGPL có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội Việt Nam, đây là hoạt động có ý nghĩa vừa nhân văn, vừa nhân đạo trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để công tác TGPL đạt được hiệu quả cao cả về số lượng và chất lượng rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, cần tăng cường hoạt động phối hợp giữa các cơ quan liên ngành, giữa Trung tâm TGPL với các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi cũng yêu cầu: Sở Tư pháp và Trung tâm TGPL tỉnh Đắk Nông cần chủ động hơn nữa, làm sao để đối tượng TGPL tiếp cận, hiểu và nâng cao nhận thức về TGPL. Cần hỗ trợ, hướng dẫn và trợ giúp đối tượng TGPL bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Địa phương cũng cần xác định rõ nguồn lực và năng lực của Trợ giúp viên TGPL. Từ những thực trạng tồn tại mới đưa ra được các giải pháp hiệu quả về công tác TGPL.
Về phía Trung ương, Đoàn công tác cũng sẽ có những đề xuất, kiến nghị HĐPHLN về TGPL trong hoạt động tố tụng Trung ương để tháo gỡ vướng mắc, giải quyết những hạn chế và đưa ra phương hướng để đạt được kết quả tốt nhất.
Chiều cùng ngày, Cục TGPL cũng đã làm việc với Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Đắk Nông để nắm bắt những khó khăn, hạn chế cũng như tâm tư nguyện vọng trong công tác TGPL trong hoạt động tố tụng tại địa phương. Các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận để tháo gỡ những tồn đọng, vướng mắc, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị để xử lý, giải quyết.
Tự Lập
baophapluat.vn