Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu tại Hội nghị sinh hoạt công tác pháp chế Bộ, ngành năm 2020 diễn ra sáng 10/11. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Nội chính Trung ương; đại diện lãnh đạo tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo tổ chức pháp chế Kiểm toán nhà nước; lãnh đạo tổ chức pháp chế các tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết Hội nghị sinh hoạt công tác pháp chế các Bộ, ngành là hoạt động được tổ chức thường niên, là dịp để cán bộ làm công tác pháp chế của Bộ, ban, ngành Trung ương gặp gỡ, trao đổi, học tập lẫn nhau những mô hình hay, cách làm tốt, cùng nhau tìm ra cách khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong công tác pháp chế. Theo Thứ trưởng, công tác pháp chế có vai trò hết sức quan trọng, vì vậy, trong thời gian qua, công tác này được lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương quan tâm, nhờ đó năng lực trình độ của cán bộ làm công tác pháp chế có bước cải thiện đáng kể về tiêu chuẩn, năng lực giải quyết công việc.
|
|
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng, công tác pháp chế hiện nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Thứ trưởng hy vọng, tại Hội nghị các đại biểu sẽ tích cực trao đổi, thảo luận về những kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay và đề xuất được những giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả và tính thực chất của công tác pháp chế của Bộ, ban, ngành Trung ương.
Phát biểu chào mừng, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết trong nhiều năm qua, đặc biệt trong những năm gần đây, Bộ VHTT&DL luôn coi trọng công tác pháp chế. Lãnh đạo Bộ đã phân công 01 đồng chí lãnh đạo Bộ trực tiếp theo dõi công tác pháp chế. Đối với các đơn vị của Bộ, Tổng cục thì đều có cán bộ làm công tác pháp chế. Bộ VHTT&DL cũng có Vụ pháp chế với 16 cán bộ có trình độ chuyên môn cao, luôn được đào tạo, bồi dưỡng để kịp thời đáp ứng được yêu cầu của công tác pháp chế trong tình hình mới.
|
|
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, Bộ VHTT&DL luôn ý thức, trách nhiệm công tác pháp chế là nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng và quản lý nhà nước. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế đã luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thiện các VBQPPL thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ, đã hoàn thành, xây dựng 03 luật: Luật Du lịch, Luật Thể thao và Luật Thư viện. Điều này là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Tư pháp và sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các Bộ, ngành trong việc góp ý, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Bộ VHTT&DL…
Tham dự Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật phổ biến những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 (Luật năm 2020) và quán triệt về việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, một trong những nội dung mới đáng chú ý của Luật năm 2020 là quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành VBQPPL; bổ sung làm rõ quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL.
Luật năm 2020 đã bổ sung một số hình thức văn bản gồm: Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thông tư liên tịch giữa Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Ngoài ra, Luật năm 2020 cũng đã sửa đổi, bổ sung các nội dung về thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã; thu hẹp phạm vi loại VBQPPL phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; quy định về xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn…
Tiếp đó, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Võ Văn Tuyển đã thông tin giới thiệu về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ban ngành thể hiện sự nhất trí cao với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Các đại biểu cũng đã trao đổi, cho ý kiến vào dự thảo Nghị này và thảo luận những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác pháp chế, từ đó, đề xuất kiến nghị và giải pháp.
Sau khi lắng nghe các ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định, Luật năm 2020 có nhiều nội dung mới giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và nâng cao chất lượng công tác xây dựng VBQPPL. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo Bộ, ban, ngành Trung ương triển khai hiệu quả luật, đặc biệt là thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành VBQPPL; tiến hành rà soát, tham mưu cho lãnh đạo Bộ, ban, ngành trong việc sửa đổi, bổ sung một số quy định, quy trình nội bộ (nếu có) để phù hợp với quy định mới.
Về đánh giá kết quả công tác pháp chế, Thứ trưởng nhận định vai trò quan trọng của công tác pháp chế, nhất là trong điều kiện hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường ngày càng được phát huy và được lãnh đạo các Bộ, ngành quan tâm. Trong những năm qua, nhất là năm 2020 các tổ chức pháp chế tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình, công tác pháp chế ngày càng thực hiện nề nếp, bài bản hơn; nổi bật là công tác tham mưu, xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản QPPL; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và cho ý kiến pháp lý.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu thời gian tới, các Bộ, ban, ngành tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như sau: Thực hiện tốt công tác xây dựng VBQPPL, trong đó lưu ý thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Luật ban hành VBQPPL, đảm bảo chất lượng văn bản; chú trọng công tác tổ chức thi hành pháp luật nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật, thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tham gia hiệu quả, tích cực vào công tác tổng kết thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, đóng góp ý kiến để sớm có Nghị định mới thay thế Nghị định số 55 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công tác pháp chế.
N.Dung