Trải qua 75 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, ngành Tư pháp không ngừng nâng cao vai trò, vị thế trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước. Nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp (28/8/1945 - 28/8/2020), Phóng viên đã ghi lại những cảm xúc, tự hào và mong muốn của một số lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ.
Ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý: Hành trang vô giá để tập thể Viện tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vươn lên
Mỗi năm, cứ vào dịp tháng Tám, các thành viên trong tập thể Viện Khoa học pháp lý lại có những cảm xúc rất đặc biệt. Tháng Tám năm nay, cảm xúc của chúng tôi còn đặc biệt hơn nữa vì ngày 28/8 tới đây Ngành ta vừa tròn 75 tuổi và ngày 4/8 vừa qua, tập thể Viện cũng vừa tròn 37 tuổi.
Trong những thập niên qua, nhờ sự quan tâm, động viên, chỉ đạo sát sao của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, tập thể Viện Khoa học pháp lý luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển chung của Bộ, Ngành Tư pháp: tham mưu cho Lãnh đạo Bộ giải quyết các vấn đề ở tầm chiến lược về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp; tiến hành nghiên cứu các đề tài phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành tư pháp, phục vụ tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; thực hiện tốt công tác quản lý khoa học và thông tin khoa học pháp lý; mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học pháp lý.
Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, Viện Khoa học pháp lý đã tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ cho phép triển khai trên 100 đề tài, nhiệm vụ khoa học, nhiệm vụ điều tra cơ bản và nhiệm vụ môi trường các cấp, trong đó nổi bật phải kể tới việc hoàn thành việc tổ chức các hội thảo khoa học cấp quốc gia được dư luận đặc biệt quan tâm (chẳng hạn hội thảo “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” được tổ chức vào ngày 24/6/2019), tổ chức các chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ về “cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013”, “Những vấn đề pháp lý mới phát sinh trong tư pháp quốc tế và trong khuôn khổ hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế” và nhiều đề tài, nhiệm vụ quan trọng.
Viện cũng hoàn thành tốt việc chủ trì cùng các đơn vị trong Bộ tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ tham gia tích cực đề xuất các nội dung liên quan tới công việc của bộ, ngành trong Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 trình Đại hội XIII của Đảng, tổng kết 15 năm triển khai Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Hướng đến kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Ngành Tư pháp (28/8/2020), Viện Khoa học pháp lý đã tham mưu với Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh các điều kiện cần thiết để sẵn sàng tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật: giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”.
Lãnh đạo Viện Khoa học pháp lý cũng dành nhiều thời gian, tâm huyết cho công việc rất có ý nghĩa do Lãnh đạo Bộ giao là chủ trì xây dựng bản thảo lời bình và tham gia dựng Phim tài liệu phục vụ Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V nhằm phản ánh đầy đủ, chân thực và sâu sắc phong trào thi đua yêu nước trong Bộ, Ngành suốt 75 năm qua. Được tiếp cận với hàng ngàn tư liệu để hình thành nên mỗi thước phim, mỗi khuôn hình, những câu chuyện của nghề tư pháp, pháp luật được tái hiện chân thực, sinh động, chúng tôi càng thấy yêu ngành, yêu nghề, thêm tự hào và trân quý giá trị trọng công lý, trọng nhân nghĩa, trọng hiền tài, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, cùng những giá trị ở đời và làm người Bác Hồ đã dạy mà lớp lớp thế hệ cán bộ tư pháp, pháp luật luôn tâm niệm, làm theo.
Viện cũng tổ chức một số tọa đàm, hội thảo nhìn lại quá trình hình thành, phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam trong 75 năm qua, bước đầu nhận diện logic vận động cùng hệ giá trị cơ bản mà nền pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa hướng tới.
Viện cũng tích cực tham gia các hoạt động khác của Bộ, Ngành nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Ngành, tri ân các thế hệ cán bộ đã gắn bó với hoạt động của Viện, của Ngành thời gian qua.
Có thể nói, trong những thập niên gần đây, trong những bước phát triển quan trọng của Bộ, Ngành cũng chính là tiền đề cho Viện Khoa học pháp lý phát triển. Qua Báo Pháp luật Việt Nam, tập thể Viện Khoa học pháp lý xin bày tỏ sự biết ơn chân thành tới sự quan tâm, chỉ đạo rất hiệu quả của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng khoa học trong và ngoài nước, cùng sự chung tay của các đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp. Đây là những tiền đề và hành trang vô giá để tập thể Viện Khoa học pháp lý tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vươn lên.
Ông Nguyễn Xuân Thu, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Tư pháp: Tự hào về Ngành Tư pháp.
Thiết thực hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp, thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, hướng tới Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, Học viện Tư pháp đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền hướng tới chào mừng các ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước, của ngành Tư pháp với nhiều hình thức đa dạng, khẳng định các thành quả quan trọng và tiếp tục phát huy vai trò của công chức, viên chức, người lao động Học viện Tư pháp, tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Vượt qua những khó khăn thách thức của tình hình dịch bệnh những tháng đầu năm 2020, tận dụng thời gian giãn cách xã hội, Học viện Tư pháp đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai kế hoạch công tác trên các phương diện. Các tập thể, cá nhân đã thi đua hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ được giao. Đến nay, Học viện Tư pháp đã tuyển sinh được 3.274 học viên các lớp đào tạo chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp (đạt tỷ lệ 94,9%, tăng trên 28% so với cùng kỳ năm 2019); 122 học viên các lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính và 3.135 lượt người được bồi dưỡng.
Lần đầu tiên, phương thức tổ chức kết hợp giữa đào tạo tập trung và đào tạo từ xa bằng hình thức trực tuyến được thực hiện với nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng. Thể chế, chính sách nội bộ nhanh chóng được hoàn thành. Có 15/40 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu với chất lượng cao. Vì thế, cùng với thành tích của những năm trước, có 09 tập thể và 14 cá nhân được công nhận điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020 của Học viện Tư pháp; 01 tập thể và 02 cá nhân thuộc Học viện được đề nghị và trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xét, công nhận điển hình tiên tiến ngành Tư pháp giai đoạn 2015-2020. Học viện Tư pháp biểu dương, nhân rộng và khen thưởng kịp thời những điển hình tiên tiến, mô hình mới, nhân tố mới, những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua.
Hướng tới kỷ niệm 75 năm truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945 – 28/8/2020), bên cạnh các nhiệm vụ chuyên môn, Học viện Tư pháp đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Công Đoàn cơ sở lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025; tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Học viện Tư pháp lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 và đặc biệt, đã góp công không nhỏ vào sự thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Bày tỏ lòng tri ân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bậc tiền bối ngành Tư pháp, gửi gắm tình cảm sâu nặng, sự tri ân của cán bộ ngành Tư pháp đối với thế hệ đi trước, Học viện Tư pháp đã tổ chức dâng hương, trao tặng Khu di tích lịch sử Bộ Tư pháp món quà gồm 20 ghế đá và 2 bàn đá.
Với nhận thức, niềm tin, tinh thần phấn khởi, tự hào về Ngành, phát huy truyền thống, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, tăng cường đoàn kết, tạo không khí phấn khởi và động lực mới, Học viện Tư pháp sẽ tiếp tục phấn đấu thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ được giao./.
Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực: Để "không ai bị bỏ lại phía sau."
75 năm – một chặng đường khá dài trong cuộc đời con người, nhưng chưa dài cho sự phát triển của lĩnh vực hộ tịch. Bởi hộ tịch là sinh, tử – chuyện xảy ra từ đời này qua đời khác mà Nhà nước nào cũng phải đăng ký để quản lý. Với Bộ Tư pháp, quản lý hộ tịch (sinh, tử) được giao (từ Bộ Nội vụ - Bộ Công an hiện nay) từ năm 1987; quản lý quốc tịch thì được giao từ Bộ Ngoại giao năm 1991. Còn với Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, thì công việc này như vừa mới được giao hôm qua. Nói như vậy, bởi Cục là đơn vị “trẻ” gần nhất Bộ, mới 7 tuổi xét theo “giấy khai sinh” (Cục được thành lập theo Quyết định số 1491/QĐ-BTP ngày 18/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (tiền thân từ Vụ Hành chính tư pháp).
Nhưng trong 7 năm qua, Cục đã giúp Bộ trưởng thực hiện một cách nề nếp công tác quản lý và thi hành pháp luật trên cả 3 lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, với các kết quả vô cùng ấn tượng. Đó là việc triển khai Luật hộ tịch, đăng ký trên Phần mềm dùng chung tại hơn 10.000 UBND cấp xã, 700 quận/huyện, hàng năm giúp cho hàng triệu trẻ em được khai sinh kịp thời.
Đó là việc tham mưu giải quyết hàng chục ngàn hồ sơ xin nhập, xin thôi, xin trở lại quốc tịch mỗi năm, trong đó đã xử lý dứt điểm cho nhập quốc tịch và cấp giấy tờ hộ tịch cho gần 1.600 người di cư Lào sang 10 tỉnh biên giới sau mấy chục năm cư trú “bất hợp pháp”; giải quyết cấp Thẻ thường trú và lập hồ sơ xin nhập quốc tịch cho hàng ngàn người di cư tự do từ Campuchia về nước. Đây là các lĩnh vực gắn chặt với quyền nhân thân của cá nhân, thể hiện mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa công dân với Nhà nước.
Chúng ta nhìn về phía trước, với mục tiêu cao đẹp của công tác hộ tịch. Đó là đến một ngày, trên đất nước mình tất cả mọi người đều có giấy tờ, có họ tên, quốc tịch, để “không ai bị bỏ lại phía sau”./.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp: Nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Cùng với lịch sử phát triển của Bộ, Ngành Tư pháp, Văn phòng Bộ Tư pháp vinh dự là đơn vị ra đời cùng với thời điểm thành lập Bộ Tư pháp. Ngay tại Nghị định số 37 – Nghị định đầu tiên về tổ chức Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh ban hành ngày 30/11/1945, Văn phòng Bộ đã được xác định là một trong những đơn vị trong cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp cùng với 5 phòng sự vụ.
Trải qua 75 năm phát triển, vị trí và vai trò của Văn phòng Bộ được thể hiện và khẳng định ở 2 mảng công việc lớn: (1) Tham mưu, tổng hợp phục vụ Lãnh đạo Bộ trong chỉ đạo, điều hành công tác của Bộ, Ngành; (2) Hỗ trợ, phục vụ và bảo đảm điều kiện hoạt động cho Bộ. Trong thời gian vừa qua, cùng với việc mở rộng nhiều chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành, Văn phòng Bộ tiếp tục được Lãnh đạo tin tưởng, giao thực hiện trực tiếp nhiều nhiệm vụ khác ngoài 02 nhóm nhiệm vụ “truyền thống” nêu trên, như nhiệm vụ về truyền thông đối với hoạt động của Bộ, ngành; tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, Quy chế dân chủ ở cơ sở… Với sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng ủy, tập thể lãnh đạo, công chức, người lao động của Văn phòng, mặc dù trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng tăng, đòi hỏi cao về chất lượng và tiến độ nhưng kết quả công tác của Văn phòng liên tục được Lãnh đạo Bộ và các đơn vị đánh giá cao.
Trong những năm vừa qua, Văn phòng đã kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chỉ đạo xử lý, giải quyết hiệu quả công việc theo yêu cầu đặt ra, theo chỉ đạo của cấp trên, cũng như theo đề nghị từ các cơ quan, đơn vị trong Ngành; theo dõi, đôn đốc và không để quá hạn nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp; chỉ số và thứ hạng cải cách hành chính của Bộ Tư pháp liên tục được cải thiện, hai năm gần đây đều thuộc nhóm 03 Bộ, ngành xếp hạng cao nhất; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các đơn vị ngày càng được cải thiện.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Ngành Tư pháp, Văn phòng đã tổ chức phát động thi đua trong toàn đơn vị; thực hiện chỉnh trang, cải tạo Trụ sở cơ quan Bộ, Khu Di tích của Bộ tại tuyên Quang và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Qua đó, tạo không khí phấn khởi, tự hào, vun đắp lòng yêu Ngành, yêu nghề; góp phần giúp công chức, người lao động thuộc Văn phòng hăng say, yên tâm công tác để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới./.
Ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính: Kịp thời tham mưu, đề xuất các chính sách, thiết chế pháp luật quan trọng.
Tự hào về truyền thống 75 năm xây dựng và trưởng thành của Ngành Tư pháp Việt Nam, trong suốt những năm qua, toàn thể công chức của Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đã và đang phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, kế tục xứng đáng sự nghiệp của các thế hệ cán bộ đi trước, hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của đơn vị xây dựng pháp luật trong lĩnh vực luật công, thông qua công tác xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, Vụ đã làm tốt công tác bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời góp phần thể chế đúng, đầy đủ và kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng trong các văn bản pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ. Công tác tham mưu đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề mang tính hệ thống, liên ngành trong thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực hình sự, hành chính và tổ chức bộ máy ngày càng được khẳng định. Đặc biệt, trên cơ sở bám sát nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Vụ cũng đã năng động, kịp thời phát hiện và đề xuất, với Bộ tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành những chính sách, thiết chế pháp luật quan trọng, phù hợp với điều kiện của đất nước trong từng giai đoạn, tạo được niềm tin, đánh giá cao của Lãnh đạo Bộ, các đơn vị trong và ngoài Bộ.
Với những kết quả đạt được, tập thể Vụ được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua ngành Tư pháp và được công nhận đơn vị điển hình tiên tiến Ngành Tư pháp (giai đoạn 2015-2020); nhiều công chức của vụ được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các bộ, ngành.
Phát huy truyền thống đó, Vụ sẽ tiếp tục phấn đấu, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ; tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thẩm định, góp ý văn bản quy phạm pháp luật; chủ động nắm bắt, kịp thời phản ứng chính sách đối với những vấn đề pháp lý đặt ra từ thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Mỗi công chức của Vụ cũng sẽ không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ, phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, hoàn thành tốt, xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực để Bộ, Ngành Tư pháp xứng đáng không chỉ là người gác cổng mà phải là cố vấn tin cậy của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế: Đóng góp tích cực trong công tác hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của đất nước.
Trong những ngày cuối tháng 8 với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước, kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam, mỗi công chức và tập thể Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế càng nỗ lực, phấn đấu hơn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, lập thành tích chào mừng các sự kiện đáng trân trọng này, và sau đó cũng để chúc mừng ngày thành lập Vụ (24/8/1991).
Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các thế hệ công chức Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế tự hào đã góp phần cùng Bộ, ngành Tư pháp đóng góp tích cực, hiệu quả cho công tác này. Trong đó, công tác góp ý, thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dân sự-kinh tế; phản ứng chính sách, pháp luật, cung cấp các ý kiến pháp lý ngày càng có chất lượng, kịp thời để xử lý các vướng mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp. Gần đây, điển hình là việc Vụ đã tham mưu để Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ 10 báo cáo rà soát pháp luật (từ năm 2017 đến đầu năm 2020) với nhiều đề xuất, giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, trong đó có cả báo cáo rà soát pháp luật để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch COVID-19; thẩm định chùm Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh (hơn 50 Nghị định vào năm 2016 và hơn 20 Nghị định vào năm 2018); chuẩn bị để lãnh đạo Bộ dự trung bình 8-10 cuộc họp của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ hàng tuần; nghiên cứu, trình Bộ Chính trị 1 báo cáo, Ban Bí thư 1 báo cáo… Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua Chương trình 585 ngày càng đi vào thực chất, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần biểu dương các đóng góp của Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế trong một số vụ việc cụ thể và với 3 Cờ thi đua của Chính phủ trong giai đoạn 2016-2019…
Các đóng góp như vậy còn rất nhỏ bé so với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước và truyền thống 75 năm hào hùng của Bộ, ngành Tư pháp. Tuy nhiên, đây sẽ là động lực cho mỗi công chức Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục hoàn thành các công việc, nhiệm vụ liên quan hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của đất nước trong thời gian tới.
K.Quy- P.Mai-H.Mây
baophapluat.vn