Xử lý vi phạm với người chưa thành niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy là vấn đề khó

19/06/2020
Xử lý vi phạm với người chưa thành niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy là vấn đề khó
Chia sẻ với Quốc hội ngày 18/6 tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, việc xử lý vi phạm với người chưa thành niên sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy là vấn đề hết sức khó, có phần nhạy cảm.
Với gần 200 lượt ý kiến góp ý tại tổ vừa qua và tại hội trường hôm nay đối với dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo trân trọng cảm ơn các ý kiến sâu sắc, xác đáng của các đại biểu Quốc hội. Bộ Tư pháp sẽ cùng cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu kỹ các ý kiến này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến thông qua vào kỳ họp sau.
Nhắc lại quan điểm sửa đổi Luật của Chính phủ, Bộ trưởng Long cho biết chỉ có 2 quan điểm lớn. Thứ nhất là dự án Luật chỉ tập trung sửa đổi những quy định đang còn hạn chế, bất cập có nhiều khó khăn, vướng mắc trong áp dụng. Thứ hai là kết hợp xử lý ở mức độ hài hòa nhất có thể các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn và tính pháp chế của vấn đề vốn liên quan, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và quản lý nhà nước.
Về vấn đề ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm, theo Bộ trưởng Long, đây là vấn đề khó khăn nên Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chính phủ thì coi đây là biện pháp cưỡng chế với các lý do: Thứ nhất, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành chưa có quy định cưỡng chế trong trường hợp đối tượng vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt có áp dụng các hình thức như đình chỉ hoạt động, tước giấy phép. Thứ hai, trong một số trường hợp, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, môi trường, có cơ sở sản xuất (thường là doanh nghiệp) đã bị tước giấy phép hoạt động, tức là phải dừng hoạt động lại nhưng vẫn tiếp tục hoạt động để xả thải ra môi trường. Hay một cơ sở khai thác đá gây ô nhiễm bị tước giấy phép, đình chỉ hoạt động nhưng vẫn tiếp tục hoạt động thì thực sự không còn biện pháp nào khác. 
Thực tế phát sinh như vậy nên Chính phủ đề xuất biện pháp này và Bộ trưởng Long nhấn mạnh, phạm vi áp dụng và đối tượng áp dụng rất hạn chế trong trường hợp không xử lý được vi phạm như nêu trên.
Đối với người chưa thành niên sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy, đây cũng là vấn đề hết sức khó, có phần nhạy cảm và hiện có 2 nhóm ý kiến khác nhau. Các lập luận đưa vào hay không việc áp dụng biện pháp này đã được trình bày tại Tờ trình của Chính phủ, báo cáo bổ sung, báo cáo thẩm tra. Vấn đề này Chính phủ xin lắng nghe và báo cáo Quốc hội quyết định.
Riêng việc có đưa lao động công ích thành một biện pháp chế tài trong dự thảo Luật không thì Bộ trưởng Long cho biết, lần sửa đổi này Chính phủ chưa đưa vào bởi năm 2012, Chính phủ đã trình biện pháp này, có hạn chế trong một số trường hợp khi vi phạm trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự. Nhưng khi ấy, Quốc hội không đồng tình vì đây là biện pháp liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; chưa khả thi vì chúng ta chưa sẵn sàng thiết kế hệ thống cơ sở để buộc phải lao động công ích. Ngoài ra, lần sửa đổi này, Chính phủ chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung những vấn đề hết sức cấp thiết và nếu đưa biện pháp buộc lao động công ích thì phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ với hệ thống pháp luật.