Thẩm định đề nghị xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

04/03/2020
Thẩm định đề nghị xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
Sáng 04/3, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã chủ trì họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Nghị định về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Trải qua 13 năm thi hành, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 (được sửa đổi, bổ sung thành Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012) quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2005 về giao dịch bảo đảm đã góp phần vào quá trình tạo lập, hoàn thiện hành  lang pháp lý về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, tăng cơ hội tiếp cận cho người dân trong tham gia quan hệ nghĩa vụ dân sự, tìm kiếm các nguồn vốn và thúc đẩy sự phát triển của các quan hệ kinh tế - xã hội.
Đến nay, BLDS năm 2015 và hệ thống pháp luật có liên quan đã có nhiều chính sách, quy định mới trong điều chỉnh quan hệ dân sự, bản thân một số quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP bộc lộ những điểm chưa thực sự phù hợp. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định này nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, khả thi trong quy định của pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của kinh tế - xã hội là yêu cầu khách quan đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Khẳng định sự cần thiết của việc ban hành Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, Phó Cục trưởng Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Nguyễn Hồng Hải cho biết Nghị định tập trung triển khai dựa trên 4 chính sách: hoàn thiện cơ chế pháp lý về xác định bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm trong xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm; hoàn thiện cơ chế pháp lý về tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự; hoàn thiện cơ chế pháp lý về xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm;  hoàn thiện cơ chế pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm theo hướng thuận lợi, hiệu quả, ít rủi ro và tác động tiêu cực.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định đối với việc nhận và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi các khoản nợ xấu, bảo đảm giao dịch an toàn. Bà cho rằng nội dung quan trọng nhất là phải làm rõ, hướng dẫn về quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Ngoài ,ra, cần có hướng xử lý tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai đối với các dự án công trình và quy định rõ tài sản bảo đảm trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu thì xử lý như thế nào,…
Nhất trí với ý kiến trên, đại diện Hiệp hội công chứng viên Việt Nam nhấn mạnh trình tự thủ tục, lập đề nghị xây dựng Nghị định đã được thực hiện bài bản, hồ sơ đầy đủ theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, quy định của BLDS 2015. Tuy vậy, cũng cần làm rõ thêm một số nội dung như hướng dẫn về bảo lưu quyền sở hữu tài sản; chủ thế là thành viên hộ gia đình, trẻ em từ 15 tuổi đến 18 tuổi…
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo, hồ sơ thẩm định đầy đủ, đáp ứng được quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và tính khả thi của các chính sách được đảm bảo.
Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc tên của Nghị định, tên chính sách sao cho phù hợp, hài hòa. Về nội dung, Thứ trưởng yêu cầu rà soát kĩ với nội dung của các luật khác đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo, nhất là với BLDS 2015.
Ngọc Dung - Trung tâm thông tin