Hội nghị triển khai công tác bổ trợ tư pháp năm 2020

07/01/2020
Hội nghị triển khai công tác bổ trợ tư pháp năm 2020
Chiều 07/01, Bộ trưởng Lê Thành Long đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác bổ trợ tư pháp năm 2020. Cùng dự có Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, đại diện lãnh đạo nhiều đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp và đông đủ cán bộ, người lao động Cục Bổ trợ tư pháp.
Theo báo cáo kết quả công tác của Cục, năm qua, công tác bổ trợ tư pháp đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm, chú trọng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp góp phần thể chế hóa kịp thời đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và góp phần thúc đẩy sự phát triển, chất lượng và tính chuyên nghiệp của hoạt động hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Đến nay đã có 6/9 lĩnh vực quản lý của đơn vị có Luật điều chỉnh và hệ thống các văn bản hướng dẫn đều được ban hành kịp thời. 
Việc phát triển nghề tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản... tiếp tục được tăng cường theo định hướng phát triển số lượng đi đôi với tăng cường chất lượng. Hiện nay cả nước đã có 63/63 Đoàn Luật sư. Tính đến năm 2019, cả nước đã có khoảng 13.900 luật sư. Năm 2019, Đại hội Đại biểu Công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất đã thành lập được Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, hiện tại cả nước có 2.688 công chứng viên, 1.026 đấu giá viên, 1.500 quản tài viên, 29 trung tâm trọng tài và 01 Văn phòng đại diện Trung tâm trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, 10 Trung tâm hòa giải thương mại. 
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp ngày càng đi vào chiều sâu, kịp thời tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ trong việc chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp trong bối cảnh cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. 
Hoạt động cấp phép, bổ nhiệm các chức danh bổ trợ tư pháp từng bước được chuẩn hóa, kịp thời hơn, không có sự nhũng nhiễu, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp...
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho biết năm 2019, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Liên đoàn Luật sư là hướng dẫn tổ chức Đại hội đoàn Luật sư và Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ 3, Cục Bổ trợ tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn để thực hiện các công tác chuẩn bị. Trong thời gian tới, ông đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo các địa phương còn lại hoàn thành việc tổ chức Đại hội; tiếp tục chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ 3 dự kiến diễn tới đây, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2020 của Liên đoàn Luật sư.
 
Chủ tịch Hội Đấu giá Thành phố Hà Nội Quản Văn Minh đề nghị kết nối với Học viện Tư pháp để đưa những đấu giá viên giỏi vào giảng dạy, tổ chức các hội thi đấu giá viên giỏi, nâng tầm vị thế của Hội đấu giá viên. Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an Đặng Văn Đoàn vui mừng nhận thấy chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác giám định đã được Bộ Tư pháp quan tâm tham mưu đề xuất. Trong thời gian tới, ông Đoàn mong Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm giúp đỡ để đội ngũ giám định viên có hành lang pháp lý hoạt động được tốt hơn.
Ghi nhận những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác bổ trợ tư pháp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhận định, khối lượng công việc của Cục rất lớn, mặc dù có nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, bất cập. Trong năm 2020, Thứ trưởng đề nghị Cục BTTP tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; Nâng cao năng lực cho đội ngũ làm bổ trợ tư pháp; Đối với lĩnh vực luật sư, cần tiếp tục phối hợp với Ban Nội chính Trung ương để hoàn thiện Chỉ thị mới về hoạt động luật sư; Đồng thời phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam để tổ chức Đại hội nhiệm kỳ sắp tới; Về lĩnh vực công chứng, phát triển có điều tiết các tổ chức hành nghề công chứng để cho ra đời những văn phòng công chứng thực sự có năng lực, công chứng viên có uy tín, chuyên môn; Trong lĩnh vực đấu giá, phải kiểm soát được tham nhũng, tối đa hóa tài sản cho Nhà nước, có sự tham gia rộng rãi của người có nhu cầu mua tài sản đấu giá…
Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nhận định, Cục Bổ trợ tư pháp đang quản lý nhà nước rất nhiều lĩnh vực, khó và nhạy cảm, tuy vậy, công tác năm 2019 của Cục Bổ trợ tư pháp vẫn tạo được sự ổn định, rõ nét trên các lĩnh vực.
Bên cạnh việc lưu ý những điểm còn tồn tại, Bộ trưởng đã định hướng một số vấn đề trong năm 2020 như: Tiếp tục hoàn thiện Luật Giám định tư pháp; tập trung hướng dẫn và đồng hành cùng Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam để hoạt động hiệu quả hơn; sâu sát hơn hoạt động của Đoàn Luật sư các địa phương chưa hoàn thành xong việc tổ chức Đại hội; Bộ trưởng cũng đề nghị, Cục Bổ trợ tư pháp cùng các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo trong tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW, nhưng lưu ý tính chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ; Tiếp tục làm tốt một số việc giám định cụ thể trong thời hạn tố tụng; Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương…
                  An Như – Trung tâm Thông tin