Bảo đảm hiệu quả cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy

09/12/2019
Bảo đảm hiệu quả cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy
Sáng 5/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì cuộc họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 được Quốc hội thông qua ngày 09/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2001 và được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 (gọi chung là Luật Phòng, chống ma túy), đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy đi vào nề nếp và có hiệu quả; nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và đông đảo người dân trong xã hội về tác hại của ma túy và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên; nhiều mô hình tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy có hiệu quả được triển khai, nhân rộng… Tuy nhiên, sau hơn 15 năm thi hành, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã bộc lộ nhiều bất cập, như việc không thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự… ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật. Mặt khác, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy đã xuất hiện nhưng chưa có quy định để điều chỉnh.
Đặc biệt là, tình hình số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tang, nhất là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít sang tiêm chích, uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần).... Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội nhưng công tác quản lý đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mực dẫn đến hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội trong thời gian qua là vô cùng nghiêm trọng, gây bất an trong quần chúng nhân dân.
Khẳng định việc cần thiết xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) trong bối cảnh kinh tế - xã hội của nước ta ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc tội phạm ma túy xuất hiện ngày một gia tăng, ông Lương Thanh Sơn, đại diện VKSNDTC đề nghị công tác sửa đổi cũng phải đáp ứng được thực trạng tội phạm đang diễn ra. Nhất là hiện nay, có rất nhiều loại ma túy có xuất xứ từ nước ngoài đang được lưu thông trên thị trường, tính chất tội phạm ngày càng tinh vi, ông Sơn kiến nghị phải tăng cường hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật, tương trợ pháp luật để hoàn chỉnh hơn nữa dự thảo Luật.
Nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại diện Vụ Pháp luật chung cho rằng, tên của chính sách “công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc” là chưa thực sự hợp lý. Bởi lẽ các nội dung của chính sách này đang được quy định trong Luật Phòng, chống ma túy hiện hành (không phải chính sách mới). Do vậy, nếu muốn hướng tới việc tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc thì cơ quan chủ trì soạn thảo phải nghiên cứu, chỉnh sửa tên chính sách cho phù hợp.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo, đồng thời nhất trí với nội dung sửa đổi đã được đưa ra. Thứ trưởng cũng đề nghị cân nhắc để bổ sung thêm chính sách về quản lý các tiền chất ma túy. Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Phòng, chống ma túy với các luật khác, đặc biệt là Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thứ trưởng cũng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét thật kỹ các biện pháp chế tài đối với người cai nghiện, xác định người nghiện ma túy là người bệnh hay người vi phạm pháp luật. Ở phương diện quốc tế, nhiều quốc gia vẫn quy định các đối tượng này là người bệnh, không xử lý vi phạm và chỉ chữa bệnh.
Phương Mai