Họp liên ngành về công tác lập đề nghị XD luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết

31/10/2019
Họp liên ngành về công tác lập đề nghị XD luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết
Ngày 31/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ về công tác lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết nhằm chuẩn bị Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020.

Tại phiên họp, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành tập trung vào một số nội dung như: tình hình tiến độ xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực; rà soát các nội dung quy định chi tiết và dự kiến danh mục văn bản quy định chi tiết, thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh dự kiến Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Vẫn còn nợ đọng 10 văn bản quy định chi tiết 5 luật đã có hiệu lực
Đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, sau khi điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, tại Kỳ họp thứ 8 sẽ trình Quốc hội thông qua 12 dự án Bộ luật, luật và dự thảo Nghị quyết. Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, tại Kỳ họp thứ 9 sẽ trình Quốc hội thông qua 8 dự án luật đã cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8; trình Quốc hội cho ý kiến đối với 7 dự án luật.
Về công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, các bộ còn nợ 10 văn bản quy định chi tiết 5 luật đã có hiện lực; Đối với văn bản sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, gồm 60 văn bản quy định chi tiết 14 luật và nội dung được giao quy định chi tiết có hiệu lực trong thời gian tới. Trong đó có 33/60 văn bản quy định chi tiết 7 luật có hiệu lực từ ngày 01/11/2019 và 01/01/2020, bảo đảm chất lượng, tiến độ và có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành đã lý giải cụ thể về những dự án đề xuất mới, những dự án điều chỉnh. Có những dự án luật đã dừng xây dựng vì cần tiếp tục làm rõ một số vấn đề, có dự án luật đang đợi để trình đồng thời với một số dự án luật khác có liên quan, có dự án luật đang hoàn thiện hồ sở để gửi Bộ Tư pháp thẩm định…
 

Ngoài việc báo cáo về tình hình, tiến độ xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, đại diện các Bộ, ngành còn nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: các Bộ, ngành cho ý kiến góp ý còn rất chậm, không đúng thời hạn nên ảnh hưởng tới tiến độ trình và ban hành văn bản; việc thể chế hóa Nghị quyết còn gặp khó khăn do xuất hiện nhiều vấn đề mới, và phải rà soát kỹ, tránh mâu thuẫn với pháp luật hiện hành…
Nâng cao trách nhiệm phối hợp trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần phối hợp chặt với các Ủy ban của Quốc hội để chỉnh lý các dự án luật và có các quan điểm, lập luận chặt chẽ để có thể bảo vệ đến cùng các dự án luật đã trình.
 

Còn Chương trình năm 2020, đối với 8 dự án luật trình Quốc hội thông qua và 7 dự án luật xin ý kiến, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị tốt các dự thảo, đảm bảo đúng tiến độ; họp ban soạn thảo, tổ biên tập đúng quy định; quan tâm lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động…
Đối với đề nghị đưa vào Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020, Thứ trưởng cho biết hiện nay Bộ Tư pháp đã nhận được một số hồ sơ. Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành cần rà soát kỹ nhiệm vụ được giao, đặc biệt là cần bám sát các Nghị quyết của Đảng, kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp,  nâng cao chất lượng hồ sơ lập đề nghị, xác định rõ phạm vi điều chỉnh… Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý cần tiếp tục làm rõ các nguyên nhân để áp dụng hiệu quả các giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản chi tiết có chiều hướng ngày càng gia tăng như hiện nay.
 
An Như – Trung tâm Thông tin