Thiết chế Hội đồng góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân

01/10/2019
Thiết chế Hội đồng góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân
Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Thông báo số 74-TB/TW, Kết luận số 04-KL/TW và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Hội đồng phối hợp PBGDPL đã được kiện toàn và khẳng định được vai trò tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, bộ, ngành, đoàn thể và UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong công tác PBGDPL. Với thiết chế này, các ngành, các cấp có cơ sở pháp lý để phối hợp thực hiện hoạt động PBGDPL, góp phần đưa công tác PBGDPL vào nền nếp, ngày càng phát triển.

Sáng tạo trong mô hình Hội đồng
Trong giai đoạn đầu, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ được tổ chức và hoạt động theo Quy chế số 674/HĐPH ngày 21/3/2005 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Chủ tịch Hội đồng ký ban hành. Hội đồng gồm 33 thành viên là đại diện các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và có 6 ban.
Còn sau khi Luật PBGDPL ra đời, Hội đồng phối hợp PBGDPL (gọi tắt là Hội đồng) Trung ương đã được thành lập theo Quyết định 1060/QĐ-TTg ngày 5/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ với 30 thành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Chủ tịch Hội đồng. Bám sát chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao theo Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp (Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện) cũng được thành lập, củng cố, kiện toàn và triển khai hoạt động ngày càng hiệu quả.
Hội đồng các cấp đã ban hành Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; thành lập Ban thư ký giúp việc, thông qua kế hoạch hoạt động hàng năm và cả nhiệm kỳ, đồng thời ban hành kế hoạch, triển khai các hoạt động đã đề ra theo kế hoạch công tác hàng năm. Hội đồng duy trì hoạt động thông qua các phiên họp định kỳ hoặc đột xuất, qua các đợt kiểm tra.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, tính đến nay, đã có 26 bộ, ngành, đoàn thể và 100% Hội đồng cấp tỉnh thực hiện kiện toàn thành viên Hội đồng, Tổ thư ký theo Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg; Hội đồng cấp huyện của một số địa phương đã được kiện toàn; nhiều Hội đồng đã ban hành Quy chế mới về tổ chức và hoạt động của Hội đồng, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên Hội đồng.
Mặc dù Luật PBGDPL không bắt buộc phải thành lập nhưng một số bộ, ngành, đoàn thể Trung ương (Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo…) và địa phương (Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bắc Kạn…) vẫn duy trì hoặc thành lập mới Hội đồng ngành hoặc cấp xã để tư vấn, tham mưu giúp Thủ trưởng bộ, ngành, đoàn thể, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, điều phối hoạt động, triển khai công tác PBGDPL thuộc phạm vi quản lý.
Ngoài việc thành lập Hội đồng theo Luật PBGDPL thì một số địa phương đã thành lập các mô hình Hội đồng PBGDPL tùy vào nhu cầu quản lý, hoạt động. Cụ thể, Hội đồng PBGDPL tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Thừa Thiên – Huế, Tiền Giang, Hậu Giang, Lâm Đồng, An Giang, Bắc Kạn, Bà Rịa – Vũng Tàu); Hội đồng phối hợp PBGDPL/Tổ công tác PBGDPL tại các sở, ban, ngành (Hà Tĩnh), công ty điện lực (Bắc Kạn); Hội đồng phối hợp Bắc Kạn hoặc ban PBGDPL cấp xã (Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Cần Thơ)…
Bên cạnh thiết chế hội đồng, VKSNDTC còn thành lập Ban Chỉ đạo công tác tuyên truyền, TANDTC đã Ban Chỉ đạo công tác thông tin – tuyên truyền có trách nhiệm tham mưu định hướng nội dung tuyên truyền, xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện các kế hoạch trọng tâm công tác tuyên truyền của ngành; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị trong toàn ngành… Riêng đối với VKSNDTC còn thành lập Tổ tuyên truyền tại Viện kiểm sát Quân sự Trung ương, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tham mưu tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL trong phạm vi nhiệm vụ, thẩm quyền của VKSND cấp dưới.
Khẳng định được vai trò tư vấn, tham mưu
Qua theo dõi, Bộ Tư pháp nhận thấy, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc triển khai công tác PBGDPL đã được Hội đồng các cấp quan tâm thực hiện đồng bộ, thống nhất theo kế hoạch của Hội đồng Trung ương. Nội dung pháp luật mà Hội đồng Trung ương, Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn thời gian vừa qua (2005 - 2019) đã gắn với triển khai thi hành 264 luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, gắn với những sự kiện chính trị lớn của đất nước; các quan điểm, chính sách mới trong dự thảo văn bản luật, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận…
Hội đồng cấp tỉnh, cấp huyện thì đã tư vấn giúp UBND cùng cấp ban hành kế hoạch công tác PBGDPL hàng năm; xây dựng, ban hành văn bản liên tịch tăng cường công tác PBGDPL trên các lĩnh vực, đối tượng, địa bàn trọng điểm. Nội dung pháp luật cần phổ biến đã tập trung vào Hiến pháp, các luật mới được ban hành, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; chỉ đạo, tổ chức PBGDPL gắn với tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp qua các buổi sinh hoạt Ngày Pháp luật định kỳ, sinh hoạt của tổ chức đoàn thể (Hà Tĩnh, Tây Ninh, Bến Tre…).
Nhìn chung, thiết chế Hội đồng đã khẳng định vị trí, vai trò trong tư vấn, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp triển khai các nhiệm vụ được giao theo Luật PBGDPL, nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách, định hướng chủ đề, nội dung, hình thức PBGDPL cần chú trọng thực hiện. Từ khi thành lập, Hội đồng các cấp từ Trung ương đến địa phương đã kịp thời chỉ đạo, tư vấn, hướng dẫn toàn diện, thống nhất công tác PBGDPL ở các ngành, các cấp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
                   Thục Quyên