Hội nghị còn có sự tham gia của cán bộ thuộc các Sở Tư pháp, Cơ quan thi hành án dân sự, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được Quốc hội Khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009. Với 8 chương, 67 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2010, Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại. Ngoài ra, Luật còn quy định đối tượng được bồi thường; căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường.
Đây là đạo luật quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc trong việc khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Một mặt, Luật tạo cơ sở pháp lý khả thi để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Mặt khác Luật có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay. Để cụ thể hóa thêm một bước quy định của Luật này, ngày 03/3/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước và ngày 26/11/2010, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ liên tịch ban hành Thông tư liên tịch số 19/TTLT/BTP-BTC-TTCP hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính.
Bộ Tư pháp có nhiệm vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt quản lý hành chính và thi hành án, phối hợp với TANDTC và VKSNDTC và các cơ quan hữu quan xây dựng tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường và lập kế hoạch tập huấn cho các địa phương. Để thực hiện tốt việc tập huấn, Bộ đã mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm của TANDTC, Viện KSNDTC và các đơn vị có liên quan tham gia để giới thiệu, trao đổi và thảo luận về nghiệp vụ bồi thường đồng thời sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của cán bộ vào Dự thảo Sổ tay nghiệp vụ trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tiếp thu tinh thần của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Sau Hội nghị này, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp tổ chức các bồi dưỡng khác nhằm bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác giải quyết bồi thường của các tỉnh thành trên cả nước. Trên cơ sở Hội nghị tập huấn nghiệp vụ, các cơ quan hữu quan sẽ chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Luật nhằm đảm bảo thực hiệt tốt các mục tiêu được đưa ra khi xây dựng Luật.
Nguyễn Thanh Tịnh