Phải có chính sách phát triển phương tiện giao thông công cộng

27/07/2019
Phải có chính sách phát triển phương tiện giao thông công cộng
Ngày 26/7, chủ trì Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (thay thế Luật giao thông đường bộ năm 2008), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã đưa ra quan điểm như trên.
Đề xuất phân biệt xe kinh doanh vận tải bằng màu sắc
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Giao thông vận tải), Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga trình bày sự cần thiết của đề nghị xây dựng Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), thay thế Luật GTĐB năm 2008.
Theo đó, qua 10 năm thực hiện, Luật GTĐB 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.
Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật GTĐB đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để xây dựng Luật thay thế Luật GTĐB năm 2008. Trên cơ sở này, Bộ Giao thông vận tải đề xuất 6 chính sách nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập. 
Cụ thể là sửa đổi, bổ sung các quy định về quy tắc GTĐB; điều chỉnh việc phân loại hệ thống đường bộ, nội dung bảo trì đường bộ, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý, đầu tư, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB; bổ sung khung pháp lý đối với các phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh, quản lý chất lượng, khí thải đối với xe mô tô; xem xét việc quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải; điều chỉnh hạng giấy phép lái xe và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các điều kiện của người lái xe; phân định lại các loại hình kinh doanh vận tải theo đó điều chỉnh, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh vận tải.
Không nên đặt vấn đề quản lý bằng hình thức
Do Luật thay thế mới đang ở giai đoạn lập đề nghị, ông Nguyễn Thành Công (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) đã tập trung phân tích những bất cập của Luật hiện hành. Ông Công chỉ ra, hiện đang có rất nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện Luật năm 2008, gây khó hiểu, khó nhớ, khó thực hiện cho cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ, dẫn đến vi phạm, tai nạn, khiếu nại, chống đối lực lượng thực thi công vụ.
Theo thống kê, hàng năm có trên 70% khiếu nại của công dân về quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với lực lượng Công an liên quan đến xử phạt quy tắc giao thông, hệ thống biển báo hiệu. Bên cạnh đó, hoạt động vận tải đường bộ chiếm 90% các hoạt động vận tải, trên tuyến đường bộ không chỉ có hoạt động giao thông thông thường mà còn có các hoạt động khác nên “nếu không có hành lang pháp lý đủ mạnh để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, giải quyết các vấn đề nổi cộm thì sẽ rất khó khăn” – ông Công nhấn mạnh.
Cũng theo ông Công, Luật hiện hành chưa quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, quản lý người, phương tiện tham gia giao thông. Điều này dẫn đến tình trạng hiện nay là giáo dục đạo đức nghề nghiệp, quản lý đội ngũ lái xe bị buông lỏng, kỷ cương pháp luật bị coi nhẹ, vi phạm pháp luật giao thông diễn ra phổ biến, tai nạn giao thông ở mức cao và nghiêm trọng, ùn tắc giao thông tại các thành phố, đặc biệt tại các đô thị, hết sức phức tạp, người tham gia giao thông thì coi thường pháp luật, chống đối.
Đại diện đơn vị chuyên môn được giao chủ trì thẩm định đề nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) Đỗ Đức Hiển đồng tình, việc phân tích các vướng mắc và nguyên nhân là quan trọng để đưa ra các đề xuất chính sách.
Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, cần tập trung thành 4 chính sách gồm quy tắc GTĐB; quản lý các phương tiện giao thông; cơ sở kết cấu hạ tầng; quản lý các hoạt động kinh doanh vận tải. Bàn riêng về chính sách quản lý phương tiện, theo ông Hiển, hiện nay vấn đề không đơn thuần là quản lý thủ công như ngày xưa, vậy sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số như thế nào, phải có được những đánh giá định lượng mới có cơ sở đề xuất chính sách. 
Ngoài ra, đề cập đến Chỉ thị 18 và Kết luận 45 của Ban Bí thư, ông Hiển đề xuất bổ sung chính sách liên quan đến quản lý nhà nước nhằm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ngành Công an, Giao thông vận tải, các địa phương. Bởi cũng có nhiều ý kiến nói về phân cấp, phân quyền để phân định rõ chức năng quản lý nhà nước, cơ chế phối hợp, kể cả trong quản lý cơ sở dữ liệu, sử dụng phương tiện kỹ thuật để quản lý thì chia sẻ giữa các ngành ra sao…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhất trí nên tập trung vào 4 chính sách lớn, đồng thời nêu nhiều ý kiến đối với các đề xuất chính sách của cơ quan chủ trì soạn thảo. Về quản lý phương tiện, theo Thứ trưởng, bản chất vấn đề là phải bình đẳng hoạt động trong môi trường pháp luật, không đặt vấn đề quản lý bằng hình thức.
Đặc biệt, Thứ trưởng lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo phải có chính sách về phát triển phương tiện giao thông công cộng. “Không thể để diễn ra tình trạng ai cũng nghĩ là mình có tiền, mua xe chạy ra đường mà phải vì lợi ích chung. Theo đó, phải làm rõ chính sách khuyến khích giao thông công cộng, không khuyến khích phương tiện cá nhân như thế nào” – Thứ trưởng yêu cầu. 
Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng cho rằng phải quản lý, xử lý được các chủ thể như chủ xe, doanh nghiệp vận tải, chứ không chỉ quản lý lái xe như hiện nay. Ngoài những “điểm đen” trên đường còn có “điểm đen” của bản thân cơ quan nhà nước trong đào tạo lái xe, cấp bằng lái xe, thanh tra, xử lý vi phạm thì cũng làm rõ ra vì suy cho cùng đây là nội dung quản lý nhà nước…
Hoàng Thư