Chiều 7/6, Trung tâm Hòa giải thương mại (HGTM) quốc tế Việt Nam (viết tắt tiếng Anh là VICMC) đã tổ chức Lễ ra mắt. Đây là trung tâm HGTM đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về HGTM. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn cùng nhiều đại biểu đã tham dự buổi Lễ.
Phương thức giải quyết tranh chấp ngày càng được ưa chuộng
Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các giao dịch thương mại có yếu tố quốc tế cũng phát triển phát triển mạnh mẽ, đa dạng mang lại nhiều lợi ích cho các bên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phát sinh nhiều vấn đề pháp lý, tranh chấp thương mại quốc tế đòi hỏi phải có những cơ chế giải quyết đa dạng và hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan. Hệ thống cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế hiệu quả có một vai trò, tác động quan trọng đối với tiến trình Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, là yếu tố góp phần xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, minh bạch.
Hiện nay, giải quyết tranh chấp dân sự, thương mại bằng hòa giải ngày càng được ưa chuộng trên thế giới, bên cạnh phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống là tòa án và trọng tài, bởi những lợi ích mà nó mang lại, như tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên; kiểm soát được kết quả đầu ra, tăng khả năng tự nguyện thi hành; duy trì được quan hệ làm ăn giữa các bên và mức độ bảo mật thông tin cao. Báo cáo Môi trường Kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới đã nhận định hoạt động hòa giải là công cụ quan trọng để hỗ trợ cho việc thúc đẩy môi trường kinh doanh và tăng cường phát triển kinh tế. Trong tranh chấp thương mại quốc tế, hòa giải được coi là giải pháp vượt qua các rào cản về văn hóa và quyền tài phán.
Không đứng ngoài xu thế phát triển chung của thế giới, việc phát triển các phương thức giải quyết tranh chấp, trong đó có phương thức hòa giải đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm từ rất sớm. Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã đề ra nhiệm vụ “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài”. Đặc biệt, với việc Chính phủ ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP về HGTM phương thức HGTM đã có được nền tảng pháp lý vững chắc để phát triển và là mốc đánh dấu một bước chuyển quan trọng cho hoạt động HGTM ở Việt Nam.
Sau một thời gian chuẩn bị các điều kiện về pháp lý, về nhân sự, về cơ sở vật chất và đặc biệt là hoàn thành các văn bản cần thiết cho hoạt động của Trung tâm như Quy tắc hòa giải, biểu phí, VICMC chính thức ra mắt. Chủ tịch VICMC – Luật sư Nguyễn Hưng Quang cho biết, VICMC là một thành viên của Hội Luật quốc tế Việt Nam, được thành lập và hoạt động không vì lợi nhuận. Mục đích của VICMC là đem đến cho khách hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư thêm một giải pháp về giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tòa án – đó là HGTM.
Theo Quy tắc hòa giải của VICMC có hiệu lực từ ngày 7/6/2019, quy trình hòa giải được tiến hành với các phiên họp chung và các phiên họp riêng với các bên để các bên có thể cùng tìm giải pháp giải quyết vướng mắc, bất đồng. Thỏa thuận hòa giải thành đạt được từ tiến trình hòa giải sẽ có hiệu lực ràng buộc và có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự.
VICMC đưa ra biểu phí cạnh tranh, linh hoạt (theo ngày hoặc trọn gói), đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Thời gian giải quyết tranh chấp tại VICMC từ một ngày đến vài tuần, tùy mức độ phức tạp của vụ tranh chấp và thời gian của các bên tranh chấp. Nguyên tắc bảo mật là nguyên tắc quan trọng trong tiến trình hòa giải và được đảm bảo theo Quy tắc hòa giải của VICMC, các bên không phải lo vấn đề tranh chấp bị đưa ra công khai, làm ảnh hưởng uy tín.
Bộ Tư pháp luôn đồng hành, hỗ trợ cho sự phát triển HGTM
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới VICMC và các thành viên sáng lập, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận sau nhiều nỗ lực, phối hợp của các bộ, ngành, các tổ chức có liên quan, đặc biệt là sự hợp tác tích cực giữa Bộ Tư pháp và Hội Luật quốc tế Việt Nam, ngày 20/12/2018, Bộ Tư pháp đã cấp giấy phép hoạt động cho VICMC. Việc các trung tâm HGTM được thành lập và nếu được vận hành hiệu quả sẽ góp phần đưa những chủ trương, chính sách, những quy định pháp luật về HGTM đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng.
Chứng kiến những bước tiến khởi đầu của hoạt động HGTM tại Việt Nam với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, Thứ trưởng chia sẻ ban đầu Trung tâm có thể gặp những khó khăn trở ngại trong việc xây dựng, phát triển một lĩnh vực hành nghề pháp lý mới ở Việt Nam - nghề HGTM quốc tế. Nhưng Thứ trưởng hoàn toàn tin tưởng VICMC sẽ vượt qua mọi trở ngại và ngày càng phát triển, trở thành địa chỉ tin cậy, uy tín về giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải tại Việt Nam và vươn ra quốc tế.
“Với vai trò là một trong những trung tâm HGTM tiên phong của Việt Nam, Trung tâm VICMC cùng các thành viên của mình sẽ nỗ lực không ngừng, hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp, độc lập và không thiên vị trong HGTM góp phần hiện thực hóa chủ trương của Nhà nước về khuyến khích HGTM và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam” – Thứ trưởng mong muốn. Đồng thời cam kết Bộ Tư pháp đã và sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ cho sự phát triển các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, cho sự phát triển HGTM nói chung và hoạt động của VICMC nói riêng.
Ngay tại Lễ ra mắt, VICMC đã ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo HGTM với 2 cơ sở đào luật là Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội và Khoa Luật – Trường Đại học Ngoại thương. Việc làm này là nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội của VICMC thông qua hoạt động đào tạo, tập huấn về hòa giải, nghiên cứu và thúc đẩy hoạt động hòa giải tại Việt Nam. Chủ tịch VICMC cũng trao Giấy chứng nhận cho các hòa giải viên.
H.Thư