Nghiên cứu khoa học phải hướng tới sự đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật

30/01/2019
Nghiên cứu khoa học phải hướng tới sự đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật
Ngày 30/01, Bộ trưởng Lê Thành Long đã dự và chỉ đạo hội nghị triển khai công tác năm 2019 của Viện Khoa học pháp lý. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, các nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý qua các thời kỳ, đại diện các đơn vị thuộc Bộ, các chuyên gia, nhà khoa học cùng dự.
 
Năm 2018 được đánh giá là năm công tác thành công của Viện Khoa học pháp lý. Nhiều nhiệm vụ được hoàn thành một cách xuất sắc. Công tác nghiên cứu khoa học bám sát với nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành. Công tác nghiên cứu khoa học năm 2018 tiếp tục cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, phục vụ cải cách tư pháp, pháp luật...
Trong các nhiệm vụ trọng tâm sẽ triển khai năm 2019, Viện Khoa học pháp lý sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trong tâm như: Nghiên cứu khoa học phục vụ việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, các luật về tổ chức bộ máy; phục vụ việc tổng kết 15 năm triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị, Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu nhận diện những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với hệ thống pháp luật; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế pháp lý cho hoạt động nghiên cứu và quản lý khoa học, xây dựng các kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2019...  

Lựa chọn đề tài phải đi trước đón đầu
Năm 2018 có thể coi là điểm nhấn của Viện Khoa học pháp lý với rất nhiều đề tài được bảo vệ thành công, nhiều đề tài đúng và trúng các vấn đề đang được quan tâm. Năm 2019 và những năm tiếp theo làm thế nào để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển hơn cũng là vấn đề trăn trở của nhiều đại diện tham dự hội nghị. Quan tâm đến vấn đề lựa chọn đề tài nghiên cứu, có ý kiến cho rằng, lựa chọn đề tài phải đi trước đón đầu và trong vấn đề xây dựng pháp luật phải đón đầu được các dự án luật. Viện Khoa học pháp lý cần phải phối hợp với các đơn vị thuộc bộ để xác định hướng đi, hướng phát triển của việc xây dựng pháp luật, từ đó cần phải có tiêu chí lựa chọn đề tài nghiên cứu. Bên cạnh đó, đối với các đề tài đã được bảo vệ thành công, cần tập hợp lại bằng văn bản gửi cho các cơ quan như Quốc hội, Chính phủ để đề xuất vào các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh...
Tạo môi trường để cán bộ, công chức, viên chức tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học
Nhận định những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học đã bám sát đời sống chính trị pháp lý của đất nước, bám sát nhiệm vụ của bộ, ngành, thực tiễn của đất nước, nhiều đại biểu cũng cho rằng, hoạt động khoa học đã có nhiều chuyển biến về chất lượng thể hiện rõ ở sản phẩm đầu ra. Theo các đại biểu, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ở cấp cơ sở, tạo môi trường để cán bộ, công chức, viên chức tham gia vào hoạt động này.
Bên cạnh đó, cần lưu ý đến công tác thi đua, khen thưởng và có chính sách khuyến khích các cá nhân có tác phẩm được công bố quốc tế; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học tại các cơ sở đào tạo Luật; đặc biệt và vấn đề nghiên cứu Đề tài khoa học nhằm giúp việc xây dựng luật một cách thống nhất và có hệ thống.
Đề nghị Viện Khoa học pháp lý nghiêm túc tiếp thu các ý kiến từ Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, trong năm qua, Viện Khoa học pháp lý đã hoàn thành và triển khai 45 nhiệm vụ đề tài khác nhau, có những đề tài chuyển từ các năm trước sang, đã nghiệm thu 20 đề tài, bao hàm phạm vi rộng, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ của Bộ ngành từ xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật. Bộ trưởng lưu ý, cần phải chú trọng đánh giá khả năng ứng dụng thực tiễn của đề tài. Bộ trưởng cũng thắng thắn chỉ ra một số hạn chế như tiến độ thực hiện một số đề tài còn chậm, công bố quốc tế còn ít… 
Trong năm 2019, cần tiếp tục nghiên cứu các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc tổng kết, đánh giá 5 năm thi hành Hiến pháp 2013, tổng kết 15 năm triển khai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị, Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Phát huy vai trò của các nhà khoa học trong và ngoài Bộ Tư pháp, các thành viên và tập thể Hội đồng khoa học Bộ trong việc tham gia xây dựng các đạo luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPP năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật Giám định tư pháp.
Huy động các nhà khoa học nghiên cứu, nhận diện đầy đủ các vấn đề pháp lý dưới tác động của Cuộc cách mạng 4.0, tạo môi trường để khơi gợi đam mê, động lực cho cán bộ, công chức, viên chức trong nghiên cứu khoa học…
An Như