Đó là nhận định của Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại buổi làm việc tại Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh về kết quả công tác Tư pháp 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2018 diễn ra tại Quảng Ninh sáng 15/10.
Tại buổi làm việc, đánh giá cao kết quả mà Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định Ngành Tư pháp Quảng Ninh đã nỗ lực hết sức để đồng hành cùng các hoạt động của tỉnh Quảng Ninh. Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh lưu tâm về việc rà soát, kiểm tra văn bản pháp luật, đề xuất và tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh vận dụng linh hoạt các cơ chế pháp lý để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh quản lý tốt nghề tư pháp và chủ động hơn về các nguồn kinh phí.
Trước đó, trong buổi làm việc, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh Hồ Văn Vịnh cho biết: 9 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã triển khai tích cực, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Công tác xây dựng, tham gia ý kiến, thẩm định, rà soát, kiểm tra văn bản QPPL và theo dõi thi hành pháp luật đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung triển khai các luật mới ban hành, các văn bản liên quan đến chủ đề công tác năm của tỉnh Quảng Ninh; tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về công tác PBGDPL, các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở; hướng dẫn thực hiện quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và công tác hòa giải ở cơ sở.
Cùng với đó, Sở Tư pháp Quảng Ninh cũng giải quyết lượng lớn thông tin lý lịch tư pháp tồn đọng, bảo đảm từng bước chủ động trong việc xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp được tập trung rà soát đơn giản hóa, giải quyết trước, đúng hạn, tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Công tác bổ trợ tư pháp phát huy được vai trò quản lý nhà nước và đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức, cá nhân. Công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo kế hoạch, tăng cường đôn đốc, chỉ đạo việc khắc phục, sửa chữa sai phạm sau thanh tra.
Bên cạnh những kết quả trên, ông Vịnh cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong hoạt động của ngành. Với số biên chế công chức được giao như hiện nay, một công chức phải đảm nhiệm nhiều vị trí việc làm, yêu cầu công việc ngày càng cao. Tính riêng 2 năm 2016, 2017, có 06 công chức các phòng chuyên môn của Sở nghỉ hưu, chuyển công tác, trong khi đó Sở không được tuyển dụng thêm công chức.
Thêm nữa, hiện số lượng thông tin án tích chưa được lập hồ sơ lý lịch tư pháp còn nhiều. Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 còn gặp khó khăn đối với những trường hợp một người có nhiều án tích hoặc cư trú ở nhiều địa phương khác nhau.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật dù đã có tiến bộ, tuy nhiên đạt hiệu quả chưa cao so với yêu cầu. Việc niêm yết đấu giá phải có hình ảnh đối với tài sản ở vùng sâu, vùng xa nên đi lại tốn kém chi phí; việc áp dụng khung thù lao, các mức áp dụng không phù hợp...
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh khẳng định rằng, việc thực hiện liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT/BTP-BCA-BYT rất nhân văn, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do hiện tại công việc của công chức Tư pháp - Hộ tịch rất nhiều, trong khi nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chỉ có một công chức Tư pháp - Hộ tịch.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh cho biết, có thời điểm tồn đọng đến 100 trường hợp đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người đương nhiên được xóa án tích. Trong quá trình tra cứu, xác minh thông tin tại các cơ quan Tòa án, VKSND, TAND, Cơ quan THADS, Trại giam, UBND xã, phường; Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh đã gửi văn bản xác minh nhiều lần nhưng không nhận được văn bản trả lời từ phía các cơ quan. Những trường hợp này, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh đã chủ động liên hệ nhưng do biên chế cán bộ có hạn, số lượng hồ sơ lớn nên không thể liên hệ đến từng cơ quan được.
Việc ban hành quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long của UBND tỉnh Quảng Ninh từ năm 2016 cũng là vấn đề được đoàn công tác quan tâm. Đến nay, Quảng Ninh vẫn áp dụng cơ chế “đặc thù” để quản lý tàu du lịch trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Trong 3 tháng cuối năm 2018, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh lên kế hoạch triển khai “Ngày Pháp luật” năm 2018 và tổng kết 05 năm thực hiện Ngày Pháp luật, 05 năm hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh. Sở cũng chú trọng đến việc tổ chức phổ biến pháp luật tại 03 địa phương địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật gồm Hạ Long, Đông Triều, Cẩm Phả.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng khẳng định thời gian qua, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh gần như là cao nhất cả nước. Đây là một minh chứng khẳng định nỗ lực của các sở, ngành trong đó có Sở Tư pháp. Trên tinh thần buổi làm việc, tỉnh Quảng Ninh cam kết thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Đoàn công tác, đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhân sự.
Phương Thanh - Công Thành