Hội nghị Ban Chỉ đạo Chương trình 585 lần thứ nhất

16/10/2010
Hội nghị Ban Chỉ đạo Chương trình 585 lần thứ nhất
Để chính thức triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 (Chương trình 585), sáng 16/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức  Hội nghị Ban Chỉ đạo Chương trình 585 lần thứ nhất

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cùng đại diện một số cơ quan, đơn vị có liên quan. Mục đích của Hội nghị là để ra mắt Ban chỉ đạo, thông qua Quy chế quản lý, hoạt động và  các Kế hoạch hoạt động của Chương trình 585.

Mục tiêu chung của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp là nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp. Các hoạt động của Chương trình được thực hiện theo 3 dự án: Hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể; Tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chương trình được triển khai trên phạm vi cả nước, có tập trung tại 7 địa phương được lựa chọn; thời gian triển khai từ năm 2010 đến 2014, có định hướng đến năm 2020; tổng kinh phí thực hiện chương trình là 190 tỷ đồng.

 

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình nhấn mạnh: Việc ban hành Chương trình 585 thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, tầm nhìn chiến lược của Chính phủ  đối với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Là đơn vị chịu trách nhiệm chung về tổ chức thực hiện, Bộ Tư pháp đã và đang tiến hành chuẩn bị các bước cần thiết để triển khai Chương trình này. Sự kiện ra mắt Ban chỉ đạo ngày hôm nay chính là mốc đánh dấu bước khởi đầu cho việc thực hiện Chương trình. Thứ trưởng mong muốn các cơ quan hữu quan tích cực phối hợp và cộng đồng các doanh nghiệp chủ động đề xuất ý kiến để Chương trình đạt được thành công như mong đợi.

Trong nội dung chương trình làm việc của Hội nghị, các đại biểu đã nghe, trao đổi, thảo luận và biểu quyết thông qua Quy chế tổ chức và quản lý hoạt động cũng như các Kế hoạch hoạt động của Chương trình.

Cục Công nghệ thông tin

 

 

Danh sách Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 1010-2014:

1. Ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Trưởng ban;

2. Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính – Thành viên;

3. Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông – Thành viên;

4. Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Thành viên;

5. Ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương – Thành viên;

6. Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội – Thành viên;

7. Ông Nguyễn Thế Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc – Thành viên;

8. Ông Đinh Quốc Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai – Thành viên;

9. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Thành viên;

10. Ông Tô Hoài Nam, Ủy viên Ban Thường vụ, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – Thành viên;

11. Ông Nguyễn Xuân Hiên, Phó Chủ tịch LIên minh Hợp tác xã Việt Nam – Thành viên;

12. Ông Phạm Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam – Thành viên;

13. Ông Nguyễn Duy Lãm, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp – Thành viên;

14. Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp – Thành viên;