Tập trung nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở, nhất là xây dựng Bộ tài liệu chuẩn về kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên, đó là đề nghị của Bộ trưởng Lê Thành Long tại buổi làm việc ngày 27/6 với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, nghe báo cáo về tình hình xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2018 – 2022”.
Đứng trước yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, trọng tài mà Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng định hướng trong nhiều nghị quyết khác nhau (như: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 11-NQ-TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…) cho thấy tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng một xã hội hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Chính vì vậy, trong Chương trình trọng tâm công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2018 – 2025” (sau đây gọi là Đề án), Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã giúp Bộ trưởng tham mưu, xây dựng Dự thảo Đề án.
Sau khi nghe báo cáo về quá trình xây dựng Đề án và những nội dung cơ bản của Đề án, Bộ trưởng chỉ đạo: Vấn đề kiện toàn tổ chức và nhân sự của Tổ hòa giải ở cơ sở không nên đặt ra là nội dung chính của Đề án. Bởi tổ chức và nhân sự của Tổ hòa giải ở cơ sở đã được kiện toàn theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời hàng năm Bộ đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tiến hành kiện toàn tổ hòa giải khi có sự thay đổi về nhân sự hoặc địa giới hành chính.
Trọng tâm của Đề án là nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở, nhằm xây dựng đội ngũ hòa giải viên đủ năng lực, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của đất nước nhất là trong bối cảnh các thỏa thuận do các bên đạt được có thể được Tòa án công nhận và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Vì vậy, trước tiên tập trung xây dựng Bộ tài liệu chuẩn về kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở, cần huy động các chuyên gia, nhà nghiên cứu để xây dựng và phát hành Bộ tài liệu cho hòa giải viên. Tài liệu có thể dưới dạng clip, video, bài giảng, văn bản giấy…, có thể dịch ra tiếng của một số dân tộc. Đối với tài liệu về nội dung kiến thức pháp luật, do liên quan nhiều ngành, lĩnh vực, nội dung các văn bản quy phạm pháp luật rất lớn thì cần huy động từ các nguồn khác (như đề cương, đặc san, bình luận pháp luật, phân tích pháp luật… từ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật) để chuyển cho địa phương. Sau khi đã hoàn thành Bộ tài liệu thì tổ chức tập huấn; cần phân rõ cấp nào làm, làm đến đâu; chủ yếu giao cho Sở Tư pháp thực hiện để bảo đảm năng lực tổ chức và tính khả thi; trung ương chỉ làm điểm một số địa phương và tập huấn cho đội ngũ “máy cái” (những người làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở cấp tỉnh) để đội ngũ này triển khai tại địa phương mình.
Về kinh phí thực hiện Đề án gồm ngân sách nhà nước, nguồn khác và xã hội hóa. Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí kinh phí để thực hiện Đề án.
Về thời gian thực hiện Đề án, nên tập trung làm đến năm 2022, bảo đảm hiệu quả, sau khi đã đi vào nề nếp thì các năm tiếp theo tiếp tục triển khai.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và sẽ sớm hoàn thiện Dự thảo Đề án cũng như các hồ sơ, văn bản kèm theo để trình Bộ trưởng ký Tờ trình Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 7/2018.
N.T.Q