Chiều 19/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị giao ban công tác Tư pháp phía Nam 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra tại Hậu Giang. Đến tham dự có lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Tư pháp, lãnh đạo Sở Tư pháp của 25 tỉnh, thành phía Nam.
Triển khai cơ bản, toàn diện các nhiệm vụ
Báo cáo tại Hội nghị, bà Huỳnh Thị Lệ Thủy, Phó Cục trưởng Cục Công tác p hía Nam, Bộ Tư pháp cho biết, công tác tư pháp tại các địa phương khu vực phía Nam đã bám sát 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được quan tâm thực hiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ. Công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính từng bước có sự chuyển biến tích cực. Phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục giữ vững. Công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, lý lịch tư pháp từng bước đã có sự đổi mới. Tình trạng cấp Phiếu lý lịch tư pháp trễ hạn giảm đáng kể. Việc chuyển đổi mô hình công chứng và phát triển đội ngũ luật sư, quản tài viên, đấu giá viên được đẩy mạnh.
Những kết quả nêu trên đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương phía Nam. Bên cạnh đó, ngành Tư pháp khu vực cũng còn một số hạn chế cần khắc phục. Công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp bộ máy trong tình hình mới còn nhiều bất cập; hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật chưa có nhiều hình thức mới, chưa tạo được bước đột phá...
Tại Hội nghị, Sở Tư pháp các tỉnh phía Nam đã cùng nhau thảo luận và trao đổi về nhiều vấn đề quan trọng của công tác tư pháp. Nói về vấn đề tổ chức bộ máy, lãnh đạo các Sở Tư pháp “kêu khó” khi nhiều tỉnh, thành thực hiện tinh gọn nhân sự theo đề án của Trung ương. Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng cho biết, theo đề án, yêu cầu tư pháp tỉnh sắp xếp tinh gọn, gom lại một số phòng, ban chuyên môn. Tuy nhiên, nhận thấy chưa có cơ sở pháp lý, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên đã trình bày và nêu ra trước lãnh đạo tỉnh, trong khi trong thời gian qua, ngành Tư pháp được giao nhiều nhiệm vụ mới như: Quản lý nhà nước về giám định tư pháp, giao dịch bảo đảm, quản tài viên...
“Đi đến đâu lãnh đạo địa phương cũng khẳng định vai trò quan trọng của công tác tư pháp”
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi chào đón Bộ trưởng Lê Thành Long, lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Tư pháp, lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh phía Nam về tham dự Hội nghị. Đồng thời, khẳng định, vai trò quan trọng của công tác tư pháp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội chung của địa phương.
Qua đó, ông Lê Tiến Châu đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Hậu Giang về thực hiện các nhiệm vụ của ngành Tư pháp, nhất là việc tư vấn, hỗ trợ pháp lý tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu cơ chế hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người nông dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động tư pháp, xây dựng phần mềm công chứng, phần mềm hộ tịch, phần mềm đấu giá tài sản để tra cứu và giải quyết tốt thủ tục hành chính cho người dân. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp Bộ Công an hỗ trợ các địa phương thực hiện tốt việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp để cấp kịp thời Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá, hoạt động tư pháp 6 tháng đầu năm 2018 đã đạt được những kết quả quan trọng. Các lĩnh vực quản lý hoặc giúp các cơ quan quản lý đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Cùng với việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, các nghề tư pháp cũng tiếp tục được củng cố và khẳng định vai trò quản lý của các bộ, ngành liên quan. Các công tác về hành chính tư pháp cũng đã giải quyết được những vấn đề đặt ra ở Trung ương và địa phương. “Với sự cố gắng của các anh chị em, vai trò của ngành Tư pháp ngày càng được khẳng định đối với người dân và các cấp lãnh đạo. Đi đến đâu lãnh đạo địa phương cũng khẳng định vai trò quan trọng của công tác tư pháp”, Bộ trưởng khẳng định.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức, hạn chế còn tồn tại trong ngành Tư pháp. Công tác thẩm định, rà soát văn bản vẫn còn chưa được như mong muốn. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật vẫn còn dàn trải, chưa truyền được thông điệp đến dân. Từ đó hiểu biết và nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế. “Một thách thức lớn của ngành đó là công việc ngày càng nhiều, trong khi bộ máy cần phải tinh gọn, giảm biên chế. Trình độ chuyên môn của cán bộ mặc dù đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đánh giá cao những đề xuất của Tư pháp phía Nam đề ra để giải quyết những hạn chế tồn tại chung của ngành. “Hội nghị giao ban công tác phía Nam tổ chức rất đúng thời điểm, đồng thời đã chọn ra được những chủ đề thời sự cần xử lý trong công tác tư pháp đưa ra bàn bạc, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tìm hướng giải quyết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đ. Thương - L.Đỉnh - T.Thật