Khoanh vùng chặt chẽ đối tượng được xem xét đặc xá

02/02/2018
Khoanh vùng chặt chẽ đối tượng được xem xét đặc xá
Đó là đề xuất của các đại biểu tại cuộc họp thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu chủ trì chiều 31/1.
Tại cuộc họp, ông Vũ Duy Khánh, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách thủ tục hành chính, tư pháp, Bộ Công an nêu rõ, việc triển khai Luật Đặc xá năm 2007 trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực song cũng đã bộc lộ những tồn tại, nhất là những bất cập giữa các quy định của Luật này với các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau này như Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017…
Theo đó, Dự thảo Luật xác định đối tượng áp dụng là người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; cơ quan, tổ chức, công dân nước CHXHCN Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam có liên quan đến công tác đặc xá. Dự thảo Luật bổ sung điều kiện được đề nghị đặc xá đối với người đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đồng thời quy định chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục, điều kiện được đặc xá; mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh đối với việc xác định nội dung, trình tự, thủ tục, đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xem xét đặc xá đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Theo ông Ngô Đức Hưng, Phó Cục trưởng Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định một chế định mới là tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66). Còn đặc xá là một ân huệ đặc biệt của Chủ tịch nước đối với người phạm tội, nhưng điều kiện được đề nghị đặc xá lại rộng hơn điều kiện tha tù trước thời hạn (một trong những điều kiện được đề nghị đặc xá là đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời hạn tù, còn điều kiện được tha tù trước thời hạn là đã chấp hành được ít nhất ½ thời hạn tù). Vì vậy, để chế định tha tù trước thời hạn có tính khả thi trong thực tiễn, đồng thời, thể hiện đặc xá là ân huệ đặc biệt thì cần thiết phải sửa đổi điều kiện được đề nghị đặc xá theo hướng chặt chẽ hơn điều kiện tha tù trước thời hạn.

Ngoài ra, ông Hưng còn tỏ ra băn khoăn khi đối tượng được tha tù trước thời hạn có được đưa vào diện xem xét đặc xá khi họ thỏa mãn các điều kiện của Luật Đặc xá không? Nếu được thì họ sẽ được hưởng chính sách khoan hồng tới 2 lần, liệu như vậy có phù hợp? Bày tỏ đồng tình, đại diện TANDTC cho rằng không nên quy định người được tha tù trước thời hạn vào đối tượng được đặc xá vì như vậy chẳng khác nào họ được đặc xá 2 lần. Không những vậy, nếu xét đặc xá với những người này thì cá nhân, tổ chức nào sẽ đứng ra làm thủ tục cho họ vì trại giam đã không quản lý họ nữa.
Còn đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cân nhắc thêm 2 trường hợp không được đặc xá đó là đã được tha tù trước thời hạn và đã được đặc xá 1 lần. Nếu đưa người được tha tù trước thời hạn vào diện được đặc xá thì phải quy định điều kiện chặt chẽ hơn như cứu được tính mạng, tài sản của cá nhân, tổ chức trong tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh; có phát minh, sáng kiến quan trọng, đem lại lợi ích cho xã hội…
Liên quan đến việc thực hiện quyết định đặc xá với người nước ngoài, ông Trần Duy Thành, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao tỏ ra lo ngại khi việc lập hồ sơ, tiến hành các thủ tục do cá nhân, cơ sở giam giữ tiến hành nên sẽ gây nhiều bất lợi cho đối tượng người nước ngoài không biết hoặc không nắm chắc Tiếng Việt. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định cho phép người thân hoặc luật sư hỗ trợ họ trong việc lập hồ sơ để đảm bảo không gây thiệt thòi cho họ vì rào cản ngôn ngữ.
Còn ông Nguyễn Phước Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng cần quy định điều kiện cần và đủ để xác định trường hợp đặc biệt, để thực sự xứng đáng nhận được đặc ân của Chủ tịch nước, như vậy mới đảm bảo ý nghĩa nhân văn tốt đẹp của quy định này. Đồng thời phải phân biệt rõ ràng với tha tù trước thời hạn, không thể coi đặc xá là hình thức kéo dài của tha tù trước thời hạn.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu yêu cầu cần tổng kết 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007 để có căn cứ thực tiễn đồng thời đảm bảo tính liên thông Luật này với các quy định pháp luật hiện hành. Về đối tượng, dự thảo Luật cần loại bỏ các đối tượng mà các luật khác đã thể hiện được tính nhân đạo như tha tù trước thời hạn, tạm hoãn thi hành án, giảm án đã tuyên… Các điều kiện được đặc xá cần quy định chặt chẽ hơn, phải tạo được dư địa, khoảng trống để Chủ tịch nước quyết định, còn điều kiện trong luật chỉ có vai trò giúp áp dụng luật dễ dàng hơn.
Thứ trưởng cũng đề nghị nghiên cứu kỹ tần suất tiến hành đặc xá, có thể là 5 năm, vào một sự kiện, ngày lễ đặc biệt của đất nước; cân nhắc thời gian thực hiện thủ tục đồng thời bổ sung trách nhiệm một số cơ quan như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, trong đó lưu ý áp dụng với các quy định với người nước ngoài không nên quá cứng nhắc để đảm bảo phù hợp với chính sách đối ngoại của đất nước.
K.Quy