Bộ Tư pháp tổng kết công tác xây dựng pháp luật

12/01/2018
Bộ Tư pháp tổng kết công tác xây dựng pháp luật
Chiều nay, ngày 11/01/2018, các Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu và Lê Tiến Châu đồng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác xây dựng pháp luật của 04 đơn vị xây dựng pháp luật gồm: Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính và Vụ Pháp luật quốc tế.
Báo cáo chung về tình hình xây dựng pháp luật năm 2017, đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho biết, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác của Bộ, ngành, 04 đơn vị xây dựng pháp luật đã chú trọng và ưu tiên đối với những văn bản thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Chính phủ với trọng tâm là chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ phản ứng nhanh, chính xác các vấn đề pháp lý phát sinh từ thực tiễn; rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành trong lĩnh vực dân sự - kinh tế, hình sự - hành chính, pháp luật quốc tế và xây dựng pháp luật.
Trong năm qua, 04 đơn vị xây dựng pháp luật đã phối hợp với Bộ, ngành tích cực hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 20 dự án luật, nghị quyết (tăng 08 dự án so với năm 2016); cho ý kiến đối với 09 dự án khác. Trong đó có nhiều dự án quan trọng được các Bộ, ngành xây dựng để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và các dự án liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với công tác theo dõi tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp luật, 04 đơn vị xây dựng pháp luật đã thường xuyên đôn đốc, tổ chức làm việc với các Bộ, ngành nợ đọng nhiều văn bản; tham mưu cho Lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các giải pháp tăng cường trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản.
Chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật chú trọng vào tính đồng bộ, thống nhất và đặc biệt là tính khả thi của văn bản. Các đơn vị xây dựng pháp luật đã thẩm định được 278 văn bản trong tổng số 290 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp thẩm định.

Bộ Tư pháp cũng đã hoàn thành việc xây dựng Báo cáo quốc gia về việc thực thi Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị; tiếp nhận, xử lý 1.605 hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gửi đi nước ngoài; đại diện pháp lý cho Chính phủ trong 04 vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài…
Trong năm 2018, 04 đơn vị xây dựng pháp luật sẽ tiếp tục triển khai, theo dõi thi hành và xử lý, tháo gỡ kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thi hành Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng; Tham mưu cho Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, 2019; Thực hiện nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ kiện đầu tư quốc tế, tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp phòng ngừa khiếu kiện, tranh chấp đầu tư quốc tế; Tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ trong phản ứng chính sách pháp luật kịp thời trong lĩnh vực pháp luật, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.

Các đơn vị xây dựng pháp luật và đại biểu tham dự hội nghị đã thẳng thắn chia sẻ, đánh giá lại công việc trong năm 2017, đặc biệt là công tác phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ. Về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho rằng có những công việc giao thoa giữa các đơn vị, cần đề cao tính phối hợp trong giải quyết công việc. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định và bảo đảm tiến độ thực hiện, trong đó lưu ý đến tính thuyết phục của Báo cáo thẩm định; ngoài ra cần chú ý đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức trẻ. Đồng tình với nguyên Thứ trưởng, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh còn đề nghị các đơn vị xây dựng cần chú ý vấn đề diễn biến hòa bình trong công tác xây dựng pháp luật.
Thứ trưởng Lê Tiến Châu đánh giá cao công tác xây dựng trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt nhưng cần làm tốt hơn nữa việc nâng cao công tác góp ý và thẩm định văn bản. Thứ trưởng cũng chia sẻ băn khoăn về việc chuyển giao thế hệ, khi mà cán bộ công chức có kinh nghiệm nghỉ chế độ nhiều trong khi thế hệ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm. Do đó, cần phải tăng cường đào tạo bồi dưỡng, tự đào tạo bồi dưỡng trong nội bộ, luân chuyển biệt phái cán bộ, xây dựng được đội ngũ chuyên gia. Thứ trưởng cũng đề nghị tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành trong đơn vị, công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ và với cơ quan ngoài Bộ…

Trong xây dựng pháp luật, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đặc biệt lưu ý đến việc hoạch định chiến lược, tính dự báo, ổn định trong xây dựng pháp luật, từ đó tạo môi trường đầu tư kinh doanh ổn định. Để làm tốt công tác xây dựng pháp luật, Thứ trưởng cũng đề nghị, cần quan tâm đầu tư xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi.
Khẳng định công tác xây dựng có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn còn chưa đồng đều, chưa ổn định, chưa đạt yêu cầu so với mong muốn, công tác phối hợp chưa nhuần nhuyễn…, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị các đơn vị tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng xây dựng văn bản, đảm bảo tiến độ, trong đó trọng tâm cần tập trung vào thẩm định văn bản; Theo dõi thi hành pháp luật nhất là những đạo luật đã được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; sắp xếp lại các phòng, giảm đầu mối, tái cấu trúc lại nội bộ theo hướng phù hợp; bố trí cán bộ đúng sở trường, năng lực, đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng cán bộ trẻ; tạo điều kiện đưa cán bộ trẻ tiếp cận thực tiễn; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới lề lối làm việc và chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và tháo gỡ vướng mắc trong công tác phối hợp...
Hoàng Vy Anh