Kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Bộ Xây dựng

29/06/2017
Kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Bộ Xây dựng
Đoàn kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc làm Trưởng Đoàn vừa có buổi làm việc tại Bộ Xây dựng liên quan đến công tác thi hành pháp luật (THPL) về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Về phía Bộ Xây dựng, tham dự buổi kiểm tra có Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh chia sẻ: Trong 2 năm 2015 - 2016, nhiều Luật mới về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Cùng với đó, các nghị định hướng dẫn 3 Luật trên cũng được nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành. Có thể nói, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã tác động rất lớn đến quá trình THPL nên công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định pháp luật mới về xây dựng là hết sức quan trọng từ cấp Trung ương đến địa phương trong cả nước. Vì vậy, hàng năm lãnh đạo Bộ Xây dựng đều ban hành Kế hoạch kiểm tra theo dõi THPL và XLVPHC của Bộ.
Bên cạnh kết quả đạt được trong chỉ đạo triển khai thi hành Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết như trên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) Nguyễn Duy Thắng báo cáo thêm với Đoàn kiểm tra một số kết quả khác trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật về XLVPHC; trong kiểm tra, thanh tra, phối hợp thanh tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC (với hơn 200 đoàn thanh tra trong thời điểm từ tháng 10/2015 đến hết tháng 3/2017)... Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 24 quyết định xử phạt, 1 quyết định áp dụng biện pháp khắc phục độc lập, đồng thời có nhiều kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm cũng như kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Ngoài ra, quá trình thi hành pháp luật về XLVPHC của Bộ Xây dựng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật, trong tổ chức thực hiện. Đáng chú ý là Luật Xây dựng năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 song việc không quy định ngừng cấp điện, cấp nước đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trật tự xây dựng đã gây nhiều bất cập trong thực hiện các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm trật tự xây dựng của địa phương. Còn trong tổ chức thực hiện, nhiều Sở Xây dựng vẫn chưa thành lập được tổ chức pháp chế dẫn đến việc thực thi văn bản ở địa phương chưa đồng bộ, thống nhất.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng nêu nhiều kiến nghị, đề xuất với Đoàn kiểm tra để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là đề nghị hoàn thiện thể chế về công tác này. Trong thời gian trước mắt, Bộ Xây dựng mong được kiện toàn bộ máy tổ chức pháp chế, đảm bảo nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo dõi THPL về XLVPHC và triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức.
 

Các thành viên trong Đoàn đặt nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, việc ban hành các quyết định về XLVPHC, về một số vụ việc vi phạm cụ thể mà dư luận quan tâm, xử lý đối tượng vi phạm sao cho đảm bảo tính răn đe chứ không phải vi phạm xong lại được hưởng lợi... Trả lời các vấn đề mà Đoàn quan tâm, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Dương Thành Phố khẳng định, Thanh tra Bộ không tiến hành chồng chéo các cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng thực tế có sự chồng chéo về chức năng thanh tra giữa Bộ Xây dựng và một số bộ, ngành. Về sai sót trong một số biên bản xử phạt vi phạm hành chính, ông Phố cam kết tới đây sẽ khắc phục.
Cục trưởng Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi THPL (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn thông tin, sẽ nghiên cứu chuẩn hóa quy định về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; kiểm tra, xử lý trách nhiệm của đội ngũ cán bộ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Cục trưởng Sơn cũng nhấn mạnh sẽ cùng trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng trong quá trình công tác.
Kết luận buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận các kết quả đạt được trong công tác THPL về XLVPHC của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vi phạm trật tự trong lĩnh vực xây dựng còn phổ biến, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa không chỉ từ phía Bộ quản lý mà còn cả ý thức của người dân và toàn xã hội. Bởi thế, Thứ trưởng Ngọc đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 121/2013/NĐ-CP để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Hơn nữa, Bộ Xây dựng cũng cần tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là kiên quyết, nghiêm khắc xử lý vi phạm trật tự xây dựng; quan tâm thêm đến nguồn lực thực hiện nhiệm vụ theo dõi THPL về XLVPHC...
H.Thư