Hội nghị quán triệt thi hành Luật đấu giá tài sản

29/05/2017
Hội nghị quán triệt thi hành Luật đấu giá tài sản
Ngày 26/5/2017, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị quán triệt Luật đấu giá tài sản khu vực phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết Luật đấu giá tài sản được Quốc hội khóa XIV thông qua nhằm tiếp tục tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất cho hoạt động đấu giá tài sản, tạo cơ chế xử lý tài sản của cá nhân, tổ chức, Nhà nước hiệu quả, khách quan, minh bạch, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản đối với Nhà nước và khách hàng, hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “thông đồng, dìm giá”, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước, nhất là trong bối cảnh triển khai Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản đã được sửa đổi, ban hành như Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật đất đai, Luật thi hành án dân sự (sửa đổi), Luật doanh nghiệp, Luật phá sản...
Thứ trưởng khẳng định việc Quốc hội thông qua Luật đấu giá tài sản được xem là bước ngoặt quan trọng trong hoạt động đấu giá tài sản nói riêng và công tác xử lý tài sản nói chung. Đây là lần đầu tiên ở nước ta có văn bản ở tầm Luật để quy định riêng về lĩnh vực này sau nhiều năm thực hiện bằng các Nghị định của Chính phủ; là dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa và tính chuyên nghiệp hoạt động đấu giá tài sản trong thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Giới thiệu những định hướng lớn của Luật đấu giá tài sản, Thứ trưởng cho biết có thể khái quát thành 05 điểm chính gồm: (i) quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản áp dụng thống nhất đối với các loại tài sản bán đấu giá và tách bạch trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quy trình trước, sau khi tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo quan điểm chỉ đạo của Luật đấu giá tài sản là luật về trình tự, thủ tục; (ii) chuẩn hóa việc đào tạo nghề đấu giá, quy trình tập sự hành nghề đấu giá nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản, tính chuyên môn, chuyên nghiệp của tổ chức đấu giá tài sản; (iii) đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan trong việc tổ chức đấu giá tài sản gồm việc niêm yết, thông báo công khai thông tin đấu giá tài sản, việc nộp tiền đặt trước, việc mua hồ sơ, đăng ký tham gia đấu giá, quy định rõ các hình thức đấu giá, trong đó bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến, góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá; (iv) nâng cao trách nhiệm của người có tài sản, có cơ chế kiểm soát hữu hiệu trong quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước; (v) quy định rõ các trường hợp hủy kết quả đấu giá đảm bảo chặt chẽ, khách quan, phù hợp với thực tiễn, qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của các bên có liên quan, lợi ích của Nhà nước.
Tại Hội nghị, các báo cáo viên đến từ Bộ Tư pháp đã trình bày những nội dung mới của Luật đấu giá tài sản, Quyết định số 410/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Luật đấu giá tài sản; thực trạng và các giải pháp triển khai Luật đấu giá tài sản đối với hoạt động đấu giá tài sản nói chung và việc đấu giá tài sản thi hành án nói riêng.
Hội nghị cũng được nghe các báo cáo viên của Tổng cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Đồng Nai trình bày về công tác chuẩn bị cho việc triển khai Luật đấu giá tài sản tại địa phương, trong đó có việc đăng ký hoạt động đối với doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá tài sản nói chung, góp phần triển khai Luật đấu giá tài sản thống nhất, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng giành thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận về những vấn đề cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới, phân tích, làm rõ những khó khăn, thách thức đã, đang và sẽ gặp phải trong quá trình chuẩn bị triển khai và đề xuất những cách làm hay, giải pháp đột phá bảo đảm cho các quy định của Luật đấu giá tài sản đi vào cuộc sống, được áp dụng đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc.