Ngày 27/02/2017, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc. Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; một số đại biểu Quốc hội là ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Lãnh đạo Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội; đại diện Văn phòng dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện; Lãnh đạo một số Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, hiện nay đặt trong bối cảnh dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác, đề nghị các đại biểu tập trung phân tích tính khả thi, đồng bộ của dự thảo. Thứ trưởng cũng đề nghị các đại biểu quốc tế chia sẻ bài học kinh nghiệm, cách làm tốt để Ban Soạn thảo tham khảo trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội, những người làm công tác quản lý cũng như người trực tiếp cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý đều thống nhất cho rằng thời gian qua Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban Pháp luật tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Luật đã khá hoàn chỉnh, các quy định đáp ứng được yêu cầu khắc phục bất cập hiện hành trong tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi. Đặt biệt, dự thảo không chỉ ghi nhận quyền của người được trợ giúp pháp lý mà còn làm rõ cơ chế thực hiện quyền đó trên thực tế khẳng định rõ trợ giúp pháp lý là chức năng xã hội của Nhà nước. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, nhiều đại biểu đã có những đóng góp rất cụ thể đối với các quy định của dự thảo Luật. Về đối tượng trợ giúp pháp lý, một số đại biểu đề nghị rà soát để làm rõ hơn sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành, đặc biệt là đối với các Luật chưa có hiệu lực thi hành (Luật Trẻ em), sự cần thiết bổ sung các đối tượng cụ thể. Về Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý, nhiều đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn về điều kiện thành lập Chi nhánh, ngoài các điều kiện về kinh tế - xã hội, giao thông,… như dự thảo Luật đề nghị bổ sung một số điều kiện cần thiết như phải bảo đảm đủ 5 biên chế làm việc tại Chi nhánh, số vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng phát sinh hàng năm khoảng 20 vụ/biên chế, có trụ sở bảo đảm diện tích làm việc của viên chức theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, có như vậy mới khắc phục bất cập, hạn chế hiện nay về Chi nhánh, sử dụng có hiệu quả nguồn lực.
Tại Hội thảo, chuyên gia của dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện đã chia sẻ kết quả nghiên cứu so sánh kinh nghiệm trợ giúp pháp lý một số nước trên thế giới về các nội dung như mô hình tổ chức trợ giúp pháp lý, người thực hiện, đối tượng trợ giúp pháp lý, phạm vi cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, chuyên gia cũng giúp giải đáp những vướng mắc của các đại biểu về cơ chế ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với các tổ chức và cá nhân, cơ chế thẩm định vụ việc và chi trả kinh phí,…
Qua một ngày làm việc với sự tham gia tích cực, cởi mở của các đại biểu, nhiều ý kiến góp ý sâu sắc đối với dự thảo Luật có thể thấy Ban tổ chức đã đạt được mục tiêu của Hội thảo. Trên cơ sở những kết quả thu được từ Hội thảo này, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) bảo đảm mục tiêu quan trọng khi xây dựng Luật là nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
Phan Hà