Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), tòa án cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho người bị kết án. Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp chỉ phải xác minh trong một số trường hợp cần thiết khi cấp Phiếu LLTP, chủ yếu là trong trường hợp chưa nhận được giấy chứng nhận xóa án tích do tòa án cung cấp.
Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 (khoản 4 Điều 70) quy định: “Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu LLTP xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này”.
Còn khoản 1 Điều 369 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp Phiếu LLTP là họ không có án tích”. Như vậy, kể từ ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành thì toàn bộ việc xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu LLTP sẽ do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP (Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp) thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định một trong những điều kiện đương nhiên được xóa án tích là người bị kết án không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn Bộ luật này quy định (khoản 2 Điều 70). Để thực hiện nhiệm vụ quản lý, theo dõi thông tin về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của cá nhân mà Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì cơ sở dữ liệu LLTP hiện nay chỉ lưu trữ, quản lý thông tin từ khi có bản án có hiệu lực pháp luật, chứ không quản lý và lưu trữ các thông tin từ giai đoạn khởi tố.
Ngoài ra, theo Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, thông tin từ giai đoạn khởi tố nằm rải rác ở nhiều cơ quan như viện kiểm sát, tòa án, cơ quan điều tra, cơ quan của Bộ đội Biên phòng, cơ quan của Kiểm lâm, Hải quan… Do đó, rất khó khăn trong việc xác định đầu mối tập trung, cung cấp thông tin về hành vi phạm tội mới phục vụ cấp Phiếu LLTP theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Hơn nữa, thực tiễn trong quá trình tiến hành xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án cho thấy, kết quả của cơ quan công an là người đó đã bị bắt, tạm giam nhưng lại không rõ về kết quả xử lý. Để cấp Phiếu LLTP, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP phải xác minh thông tin tại các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, thi hành án… mà vẫn không có được thông tin về bản án cũng như tình trạng thi hành án của người đó. Thực tế này đã gây lúng túng cho các Sở Tư pháp trong thời gian vừa qua, làm ảnh hưởng đến hoạt động cấp Phiếu LLTP phục vụ người dân, cơ quan, tổ chức.
Với yêu cầu thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thi hành quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về xóa án tích và trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong cập nhật, xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích, đại diện Trung tâm LLTP quốc gia đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và các cơ quan có liên quan như tòa án, viện kiểm sát, công an, thi hành án dân sự, cơ quan có thẩm quyền trong quân đội, UBND cấp xã nơi người bị kết án cư trú… xác minh thông tin về việc người đó có bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hành vi phạm tội mới trong thời hạn đang có án tích hay không.
Có như vậy mới bảo đảm thực hiện chế định đương nhiên được xóa án tích theo Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bàn về đề xuất trên, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trước hết phải xác định là không đùn đẩy trách nhiệm. Tuy nhiên, việc xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì không thể tự mình làm được nếu căn cứ theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Trên cơ sở Bộ luật này đang được sửa đổi, bổ sung, Thứ trưởng yêu cầu nghiên cứu quy định phải cộng đồng trách nhiệm trong xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích.
Thục Quyên