Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công hai lớp bồi dưỡng kỹ năng hành nghề luật sư liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế

08/07/2010
Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công hai lớp bồi dưỡng kỹ năng hành nghề luật sư liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế
Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2010, trong các ngày 28, 29/6/2010 và 02, 03/7/2010, Bộ Tư pháp đã tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho luật sư tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự lớp bồi dưỡng có đông đảo các luật sư, người tập sự hành nghề luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh và một số Đoàn luật sư của các địa phương khác.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Bốn, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp đã nêu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp trong việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật quốc tế, kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế cho đội ngũ luật sư nói riêng.

Chương trình lớp bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế năm 2010 tập trung vào bồi dưỡng kỹ năng cho luật sư trong các lĩnh vực tư vấn soạn thảo hợp đồng mua bán, hợp nhất, sáp nhập công ty; vấn đề cơ cấu nợ, xử lý nợ đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tư vấn dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và giải quyết tranh chấp trong mua bán hàng hóa quốc tế.

Chuyên đề 1 giới thiệu về giao dịch mua bán (M&A) tại Việt Nam do luật sư Trương Nhật Quang, Giám đốc Công ty luật hợp danh YKVN trình bày. Bài giảng gồm 04 vấn đề, cụ thể là: Giới thiệu chung về một giao dịch mua bán công ty (M&A); Khởi động giao dịch: Thỏa thuận sơ bộ ban đầu; Thẩm định pháp lý công ty: Quá trình và mục đích; Hợp đồng mua bán: Mục đích và một số vấn đề cơ bản. Trong phần giới thiệu chung về M&A, giảng viên tập trung giới thiệu các bước của một giao dịch mua bán cổ phần gồm: Đàm phán và ký thỏa thuận sơ bộ ban đầu; thẩm định pháp lý, thẩm định tài chính và các thẩm định khác; đàm phán và ký hợp đồng mua bán cổ phần. Thỏa thuận sơ bộ ban đầu phải đạt được một số các điều khoản của giao dịch (các quyền lợi kinh tế và quyền lợi biểu quyết/điều hành), xác định cơ sở để tiến hành thẩm định công ty. Vấn đề bảo mật thông tin (confidentiality) và độc quyền (exclusivity) cũng là những vấn đề cần lưu ý. Giảng viên đã cùng học viên thảo luận về sự khác biệt giữa (i) thẩm định pháp lý của công ty luật, (ii) thẩm định tài chính/kế toán của công ty kiểm toán và (iii) thẩm định về hoạt động kinh doanh của bên mua. Sau thảo luận, giảng viên đã đưa ra các bước cần tiến hành trước khi bắt đầu thẩm định; phạm vi thẩm định pháp lý; phạm vi thẩm định tài chính và các cách thẩm định. Cuối cùng, về Hợp đồng mua bán cổ phần, trên cơ sở hợp đồng mẫu, giảng viên đã giới thiệu cho học viên về các điều khoản trong hợp đồng bao gồm: các điều khoản về cơ cấu; các điều khoản quan trọng về pháp lý (cam đoan và bảo đảm (representations and warranties); điều kiện tiên quyết (conditions precedent); cam kết (covenants); chấm dứt, bồi hoàn và các biện pháp khắc phục khác); các điều khoản tiêu chuẩn và ý nghĩa của các điều khoản đó.

Chuyên đề 2 do luật sư Phan Thông Anh, Giám đốc Công ty luật hợp danh Việt Nam trình bày về cơ cấu nợ và xử lý nợ đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong bài giảng của mình, luật sư Phan Thông Anh đã cùng các luật sư trao đổi về khái niệm nợ, cơ cấu nợ; các biện pháp ngăn chặn sự chuyển hóa cơ cấu các khoản nợ phải thu; các biện pháp chủ động thay đổi cơ cấu các khoản nợ phải trả; kỹ năng phân tích chuẩn bị hồ sơ, phân tích hồ sơ nợ, xử lý các khoản nợ phát sinh của doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài hoạt động tại Việt Nam. Ngoài việc giới thiệu các khoản nợ, cách cơ cấu nợ, bài giảng tập trung vào vấn đề xử lý nợ thông qua những vụ việc thực tế giảng viên cùng học viên trao đổi về những vấn đề cần xác minh liên quan đến hồ sơ vụ nợ, các giấy tờ cần quan tâm trong quá trình giải quyết nợ và cách thức đánh giá tính pháp lý của chứng thư có liên quan để từ đó đưa ra được phương thức xử lý thu hồi nợ.

Chuyên đề 3 do luật sư Trần Tuấn Phong, luật sư thành viên của Công ty luật Quốc tế Việt Nam (Vilaf) trình bày về tư vấn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đề cập đến 05 vấn đề là Đặc điểm phát triển và tài trợ dự án, Khung pháp lý, Cấu trúc và các giai đoạn phát triển dự án, Hợp đồng phát triển dự án theo hình thức BOT, Vai trò của tư vấn pháp lý. Qua bài giảng, học viên nắm bắt được lý do tại sao phải tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng, các bên tham gia dự án, đặc điểm khác biệt của dự án cơ sở hạ tầng so với các dự án khác, mối liên kết giữa các bên tham gia qua từng giai đoạn của dự án, hình thức hợp đồng liên quan đến dự án cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, bài giảng nhấn mạnh đến vai trò tư vấn pháp lý trong các giai đoạn của dự án, trong đó xác định rõ yêu cầu cũng như hoạt động của người tư vấn, phân định giữa luật sư của bên chủ đầu tư và luật sư của công ty dự án.

Chuyên đề 4 do luật sư Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng Văn phòng luật sư tư vấn độc lập trình bày về giải quyết tranh chấp quốc tế trong giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế. Thông qua một vụ kiện thực tế, giảng viên đã đưa ra những vấn đề pháp lý cần giải quyết, các mối quan hệ của pháp luật. Giảng viên hướng cho học viên thảo luận xem bên nào chịu trách nhiệm đối với thiệt hại về hàng hóa xảy ra, các vấn đề cần lưu ý trong hợp đồng mua bán, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm như thời điểm chuyển rủi ro, trách nhiệm của bên bán, điều khoản thanh toán LC, xác định lỗi của bên kia, quy tắc Hamburg, quan hệ CIETAC và pháp luật của nước có liên quan, pháp luật và tập quán quốc tế, điều khoản bảo hiểm, phạm vi và người bảo hiểm. Trên cơ sở đó, giảng viên đã đưa ra các khuyến nghị về vụ việc, từ đó xác định vai trò tư vấn của luật sư Việt Nam, luật sư nước ngoài và các chứng cứ quan trọng của vụ kiện.

Các học viên tham dự lớp tập huấn đã tham gia thảo luận rất nhiệt tình về các vấn đề có liên quan trực tiếp đến bài giảng cũng như trao đổi với giảng viên về những vụ việc thực tiễn khác, cũng như những vấn đề vướng mắc mà họ đã gặp phải trong quá trình hành nghề để tìm ra các giải pháp tháo gỡ.

Nhìn chung, các học viên đánh giá rất cao về nội dung của lớp học, cũng như bài giảng của các luật sư. Với kinh nghiệm và trình độ cao, các luật sư đã chia sẻ với các học viên nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích cho quá trình hành nghề. Các học viên bày tỏ mong muốn, Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng tương tự để họ có cơ hội cập nhật về kiến thức cũng như kỹ năng hành nghề trong lĩnh vực có liên quan đến thương mại quốc tế, thông qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam.

KC