Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công tại Hà Nội

18/11/2016
Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công tại Hà Nội
Thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai (ban hành kèm theo Quyết định số 1126/QĐ-BTP ngày 26/5/2016), sáng ngày 17/11/2016, Đoàn công tác liên ngành do đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai tại Thành phố Hà Nội.
Đoàn công tác liên ngành có sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật và một số đơn vị khác có liên quan thuộc Bộ Tư pháp. Tiếp và làm việc với Đoàn công tác liên ngành có đồng chí Lê Hồng Sơn - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, cùng đại diện Lãnh đạo các Sở, ban, ngành và một số quận, huyện của Thành phố.
Tại buổi làm việc, đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã báo cáo chi tiết về công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện và tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công trên địa bàn thành phố thời gian qua. Báo cáo đã đánh giá, nhìn nhận khách quan những kết quả đạt được, cũng như phân tích những tồn tại, hạn chế của các cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công. Sau khi nghe đại diện Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội báo cáo tình hình thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai, Đoàn công tác đã có những nhận xét, đánh giá và đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan trực tiếp đến tình hình tuân thủ pháp luật, ví dụ như: Việc bố trí vốn ngân sách nhà nước và cơ chế huy động nguồn xã hội hóa; việc bố trí diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công trong quỹ đất của thành phố; việc chấp hành pháp luật của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp xây dựng và người dân; sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các Hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công trong từng giai đoạn cụ thể; tình hình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công; tình hình tiếp nhận và xử lý đơn thư tố cáo, khiếu nại, thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công;… Ngoài ra, một số kiến nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về chính sách pháp luật trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công cũng đã được trao đổi, thảo luận như: Tạm ứng vốn ngân sách; việc đấu giá quỹ đất 20%; mẫu thiết kê nhà ở xã hội; việc xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung; việc bán, cho thuê nhà ở xã hội; cơ chế thu hồi nhà ở xã hội do sử dụng sai mục đích; cơ chế huy động vốn từ ngân hàng chính sách xã hội; đối tượng được hưởng chính sách nhà ở cho người có công…
 
Trên cơ sở Báo cáo của Ủy ban nhân dân và ý kiến trao đổi giữa thành viên Đoàn công tác liên ngành với đại diện các Sở, ngành, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã kết luận sơ bộ về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Thứ trưởng nhận định nhiệm vụ phổ biến, quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện, cũng như hoàn thiện thể chế và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho công tác thi hành pháp luật đối với lĩnh vực nêu trên về cơ bản đã được Lãnh đạo Thành phố, các Sở, ban, ngành quan tâm thực hiện và đã thu được những kết quả quan trọng. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn nữa để triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, thanh tra và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, đồng thời đề nghị Thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương trong việc hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Thay mặt Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn đã tiếp thu ý kiến của Đoàn công tác, đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội về các kiến nghị của Thành phố Hà Nội , từ đó xây dựng chính sách, pháp luật phù hợp để phát huy tối đa nguồn lực của Thành phố Hà Nội - Một trong 2 “đầu tàu” kinh tế của đất nước.
Chiều cùng ngày, tại trụ sở của Sở Xây dựng, Đoàn Công tác liên ngành do đồng chí Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Phó Trưởng đoàn đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan của Thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm, kết hợp điều tra, khảo sát về tình hình thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai.
Mục đích của buổi Tọa đàm là nhằm thảo luận, đánh giá về những bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện pháp luật, từ đó phân tích, kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật và các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực nêu trên. Đối tượng tham dự Tọa đàm là các hiệp hội, các công ty (Tổng hội xây dựng Việt Nam, Hội môi giới bất động sản Việt Nam, Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Thủ đô, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại dịch vụ Bắc Hà, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng…) và các cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện các chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công của Thành phố Hà Nội.
Các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm cho thấy, hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công (pháp luật về nhà ở, đầu tư, xây dựng, tài chính, an sinh xã hội…) cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn hiện; chú trọng tăng cường các cơ chế bảo đảm thực thi pháp luật (kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm), đồng thời phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức, chủ đầu tư, người dân trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công.
Cục QLXLVPHC và TDTHPL