Đáp ứng tinh thần chung về cải cách hành chính

11/11/2016
Đáp ứng tinh thần chung về cải cách hành chính
Ngày 10/11, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Qua các ý kiến đóng góp cho thấy, về cơ bản Dự thảo Nghị định thay thế phù hợp với tinh thần chung về cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Bộ, ngành Tư pháp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp đã được Nghị định 22 xác định rõ ràng, cụ thể, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước với hoạt động sự nghiệp trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; đề cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước về các công tác được giao… Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, nhiều quy định của Nghị định 22 bộc lộ bất cập như sau Nghị định 22, nhiều văn bản mới ban hành đã mở rộng thêm nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp và đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính thì cần thiết thay thế Nghị định 22 cho phù hợp với tình hình mới.
Vì vậy, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 22 và Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị các đại biểu cùng tập trung rà soát để có thể hệ thống lại các chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong Dự thảo Nghị định. Bên cạnh đó, Thứ trưởng nêu vấn đề, theo Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế thì cần tổ chức bộ máy như thế nào hay trước ý kiến về việc cơ cấu lại các Vụ xây dựng pháp luật thì có cần hay không…
Giới thiệu một số nội dung của Dự thảo Nghị định, Q.Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh, Dự thảo Nghị định kế thừa và phát triển các nội dung hợp lý của Nghị định 22, bảo đảm không quy định chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn với các bộ, ngành khác. Không những thế, cũng quy định cơ cấu tổ chức của Bộ hợp lý, đủ để bao quát toàn bộ các nhiệm vụ quản lý của Bộ… Theo đó, cơ bản ổn định tổ chức bộ máy hiện nay và chỉ có đề xuất chuyển đổi mô hình hoạt động của Vụ Kế hoạch – Tài chính thành Cục Kế hoạch – Tài chính. Riêng việc nâng cấp, thu gọn đầu mối các đơn vị xây dựng pháp luật, sẽ tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ vào thời điểm thích hợp.
Lý giải về đề xuất chuyển đổi mô hình của đơn vị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Nguyễn Đình Tạp thông tin, hiện có 8 bộ, ngành có quản lý cơ sở vật chất theo ngành dọc từ trung ương đến cấp huyện nhưng 6 bộ, ngành đã lựa chọn mô hình Cục và Bộ Tư pháp là 1 trong 2 cơ quan còn lại vẫn để mô hình Vụ. Hơn nữa, theo ông Nguyễn Đình Tạp, nếu chuyển đổi mô hình sẽ không làm tăng biên chế, không tác động, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị có liên quan và quan trọng là giảm tải công việc sự vụ cho Lãnh đạo Bộ.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) Nguyễn Văn Lương chia sẻ một số kinh nghiệm của Bộ Nội vụ về tổ chức bộ máy và mong muốn Bộ Tư pháp tăng cường thêm thông tin liên quan đến các đề xuất của mình, giúp cơ quan có thẩm quyền thấy rõ được sự cần thiết thay đổi. Đại diện Văn phòng Chính phủ - ông Bùi Công Quang cũng đánh giá đề xuất về cơ cấu tổ chức cấp phòng trong Vụ của Bộ Tư pháp thể hiện sự linh hoạt, phù hợp với bối cảnh hiện nay.
H.Thư