Chăm lo tốt hơn cho cán bộ, công chức, người lao động nữ trong đơn vị

04/10/2016
Chăm lo tốt hơn cho cán bộ, công chức, người lao động nữ trong đơn vị
Sáng 4/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) Nguyễn Thị Tuyết đã đồng chủ trì buổi làm việc giữa Hội LHPNVN với Bộ Tư pháp về khảo sát xây dựng Đề án “Thành lập và hoạt động của tổ chức Hội phụ nữ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp” (Đề án).
Tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Đức Hiển, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp cho biết: tỷ lệ cán bộ nữ đang làm việc tại Bộ Tư pháp là khá cao (chiếm 59%), do đó đội ngũ công chức, viên chức, người lao động nữ cũng có nhiều điều kiện, cơ hội để chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống. Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư pháp có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về công tác bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng, phát triển Ngành, do vậy luôn quan tâm chỉ đạo sát sao đối với công tác nữ, đặc biệt là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện các chế độ chính sách bảo đảm sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ.
Đối với vấn đề thành lập và hoạt động của tổ chức Hội phụ nữ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đang được Hội LHPN Việt Nam triển khai xây dựng, Bộ Tư pháp cho rằng Hội LHPNVN cần phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể nhu cầu thực tế, đánh giá việc thực hiện các thiết chế bảo vệ quyền lợi của người lao động nữ, trên cơ sở đó mới nghiên cứu thành lập tổ chức Hội phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị này. Tuy nhiên, nếu thành lập, Hội LHPNVN cần cân nhắc một số vấn đề về thể chế, sự cần thiết và tính hiệu quả của việc thành lập tổ chức Hội phụ nữ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: mục tiêu quan trọng nhất của việc khảo sát, xây dựng Đề án là nhằm tìm được thiết chế đại diện tốt nhất để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của những phụ nữ đang công tác trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, giúp họ phát huy được năng lực của mình để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung vào một số nội dung như: thực trạng và nhu cầu tham gia các tổ chức chính trị - xã hội của cán bộ công chức nói chung, cán bộ nữ nói riêng; Hội LHPNVN cần làm gì để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ trong cơ quan, tổ chức; cách thức phối hợp giữa Hội LHPNVN và Công đoàn, Nữ công, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của các cơ quan, đơn vị…
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh: Bộ Tư pháp luôn rất quan tâm tới công tác nữ và mong muốn có một thiết chế hữu hiệu để chăm lo tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng cho chị em phát triển, cống hiến. Tuy nhiên, việc thành lập và hoạt động của tổ chức Hội phụ nữ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp cần phải có cơ sở pháp lý và thực tế rõ ràng, khi thành lập cần phải tính đến hiệu quả hoạt động của tổ chức này, đặc biệt là vấn đề cán bộ chuyên trách, kinh phí hoạt động…