Sáng 11/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2016 bằng hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu trên cả nước. Tham dự Hội nghị có Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai và đại diện nhiều cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương và địa phương. Về phía Bộ Tư pháp có Bộ trưởng Lê Thành Long, các Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Nguyễn Khánh Ngọc, Trần Tiến Dũng, đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án địa phương.
Triển khai toàn diện các mặt công tác
Đánh giá kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết: Bộ, Ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Các nhiệm vụ của Bộ, Ngành Tư pháp được thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ so với chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm; một số mặt công tác có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao: Việc xây dựng, hoàn thiện các VBQPPL tiếp tục được chú trọng đầu tư nguồn lực, nhất là với các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh, qua đó từng bước giảm thiểu có hiệu quả tình trạng “nợ đọng” văn bản; việc thẩm định VBQPPL, nhất là các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được thực hiện khẩn trương, bảo đảm tiến độ để các Bộ, ngành trình Chính phủ; việc phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, góp ý các VBQPPL được thực hiện tốt; công tác PBGDPL, nhất là các văn bản liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được toàn Ngành tập trung đẩy mạnh; thi hành án dân sự đạt kết quả cao hơn cùng kỳ 2015; công tác hành chính tư pháp, nhất là triển khai Luật hộ tịch, bước đầu đạt hiệu quả, kịp thời phục vụ nhân dân; việc tham gia ý kiến pháp lý đối với các vụ việc, các sự kiện liên quan đến môi trường, đầu tư quốc tế... được thực hiện kịp thời, có chất lượng; hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật đạt nhiều kết quả tốt.
|
|
Trong 6 tháng cuối năm 2016, Bộ Tư pháp tập trung tổ chức triển khai bài bản, hiệu quả Luật ban hành VBQPPL năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành VBQPPL năm 2015, tạo bước đột phá ngay từ khâu xây dựng chính sách; triển khai đồng bộ các luật có hiệu lực trong năm 2016. Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt Luật hộ tịch, trong đó mở rộng thí điểm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân nhằm cung cấp kịp thời, chính xác thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đẩy mạnh công tác THADS, hành chính, quyết tâm phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu được giao trong Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp. Khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội báo cáo rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tiếp tục hiện đại hóa hoạt động công vụ, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, đảm bảo hết năm 2016, 100% các dịch vụ công đã đăng ký với Chính phủ theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4; kết nối, liên thông Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Bộ với Phần mềm quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ. Tập trung xây dựng, vận hành Trang thông tin điện tử về xây dựng pháp luật.
|
|
Luật hộ tịch đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu đăng ký hộ tịch của người dân
Chia sẻ kết quả triển khai thi hành Luật hộ tịch 6 tháng đầu năm, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh khẳng định: Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu đăng ký hộ tịch của người dân, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.
Kết quả báo cáo thống kê số liệu đăng ký hộ tịch trên cả nước 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, các UBND cấp xã đã đăng ký khai sinh cho 881.091 trẻ em (trong đó khoảng 81% đăng ký đúng hạn); đăng ký kết hôn cho 357.066 cặp vợ chồng; đăng ký khai tử cho 267.199
trường hợp. Các UBND cấp huyện đã đăng ký khai sinh cho 2.442 trẻ em; đăng ký kết hôn cho 2.086 cặp vợ chồng và đăng ký khai tử cho 139 trường hợp tử vong có yếu tố nước ngoài. Nhìn chung các việc đăng ký hộ tịch bảo đảm đúng pháp luật, trong đó nhiều việc nhận được sự hài lòng từ người dân.
Tại Hội nghị, ông Khanh cũng đã trao đổi một số nội dung liên quan đến nghiệp vụ hộ tịch để thống nhất nhận thức và áp dụng giữa các cơ quan đăng ký hộ tịch, bảo đảm thực hiện đúng nội dung, tinh thần của Luật hộ tịch như: cấp xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau; xác nhận tình trạng hôn nhân đối với trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987; đối tượng phải ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn/hủy kết hôn đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (ghi chú ly hôn); lệ phí đăng ký hộ tịch.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Tại Hội nghị, các đại biểu đều đánh gia cao những kết quả tích cực của công tác tư pháp trong 6 tháng đầu năm 2016. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã thẳng thắn nêu lên những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ sớm có ý kiến để góp phần tháo gỡ các khó khăn của địa phương.
|
|
Đánh giá công tác tư pháp nửa đầu năm 2016, Bộ trưởng nhận định: toàn ngành Tư pháp đã có cố gắng, thực hiện các công việc đã đề ra, bám sát những nhiệm vụ trọng tâm, đóng góp vào nhiệm vụ chính trị của các Bộ, ngành, địa phương. Nổi bật là việc phản ứng chính sách đã nhanh nhạy và hiệu quả hơn, đã tham mưu hiệu quả cho Chính phủ, các Bộ, ngành đối với những vụ việc mới phát sinh trong thực tế, thể hiện sự chuyển mình, sẵn sàng của đội ngũ cán bộ tư pháp từ Trung ương tới địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng đã thẳng thắn nêu những vấn đề còn tồn tại, hạn chế như tình trạng nợ văn bản vẫn còn, đặc biệt là Thông tư của các Bộ, ngành ở Trung ương; một số sự cố trong công tác xây dựng văn bản thời gian qua mà Bộ Tư pháp phải xử lý và chịu phần trách nhiệm; công tác thi hành án dân sự chưa thật sự bền vững; một số vướng mắc trong công tác trong bổ trợ tư pháp vẫn còn tồn tại...
|
|
Bộ trưởng yêu cầu trong 6 tháng cuối năm, toàn ngành tiếp tục tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra và sẵn sàng xử lý những vấn đề mới có thể phát sinh. Trong đó, cần lưu ý tới công tác xây dựng, thi hành pháp luật, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt các quy định về đánh giá chính sách trong Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu của THADS. Đặc biệt, Bộ trưởng nhắc nhở phải quan tâm nhiều hơn tới công tác thanh tra, kiểm tra, làm tốt và nhiều hơn, đặc biệt lưu ý tới tới các lĩnh vực mà dư luận xã hội đang quan tâm, từ đó nâng cao chất lượng công tác tư pháp và tạo được niềm tin của người dân đối với các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.