Tập trung thi hành các vụ án trọng điểm

01/06/2016
Tập trung thi hành các vụ án trọng điểm
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Thành Long tại cuộc làm việc với Tổng cục Thi hành án dân sự chiều 31/5. Các Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Trần Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành cùng các Phó Tổng cục trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã tham dự buổi làm việc.
Thi hành xong gần 252 ngàn việc
Trình bày báo cáo công tác Thi hành án dân sự (THADS), Phó Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi cho biết, năm 2016 Tổng cục tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác xây dựng văn bản, đề án, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật THADS sửa đổi; đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 2 Thông tư và 1 đề án, một số văn bản đang được khẩn trương xây dựng. Trong công tác phối hợp, Tổng cục và các cơ quan liên quan đã xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp trong công tác như Quy chế phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp…
Trong số án có điều kiện thi hành, đã thi hành xong gần 252 ngàn việc, tăng trên 13 ngàn việc so với cùng kỳ 2015; đã thi hành xong trên 11.384 tỷ đồng, tăng hơn 1734 tỷ so với cùng kỳ. Về tổ chức cán bộ đã được kiện toàn từ Tổng cục đến cơ sở, thực hiện 9616/9757 biên chế. Cả nước có 3948 chấp hành viên, 598 thẩm tra viên, 1731 thư ký thi hành án. Việc bổ nhiệm, quy hoạch lãnh đạo cấp Vụ thuộc Tổng cục, lãnh đạo Cục THADS địa phương được quan tâm. Các công tác khác như hướng dẫn nghiệp vụ, công tác kiểm tra; tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; việc thi hành các vụ án trọng điểm, khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài; bồi thường nhà nước, xây dựng cơ bản; ứng dụng công nghệ thông tin, công tác văn phòng, Đảng, đoàn thể đạt nhiều kết quả..
Mặc dù có nhiều chuyển biến song công tác THADS trong 8 tháng đầu năm còn một số tồn tại, hạn chế như một số địa phương có kết quả thi hành án xong đạt thấp, nhất là về tiền, chưa đáp ứng yêu cầu, lượng án có điều kiện chuyển kỳ sau còn nhiều và tăng so với cùng kỳ; năng lực, phương pháp quản lý, chỉ đạo điều hành ở nhiều đơn vị, nhất là cấp Chi cục còn chậm được đổi mới; năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn hạn chế; công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, nhất là chỉ đạo đối với những vụ án lớn còn chưa đáp ứng yêu cầu; kết quả giải quyết các vụ THADS trọng điểm, các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài hiệu quả còn thấp..
Tổng cục THADS đề nghị Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ tiếp tục quan tâm lãnh đạo công tác hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ và đảm bảo tốt hơn cho hoạt động THADS, hành chính; cho phép việc đẩy mạnh phân cấp với lộ trình thích hợp trong công tác tài chính, xây dựng cơ bản; Đề nghị Ban Cán sự Đảng định kỳ mỗi năm dành 1-2 buổi thảo luận, đánh giá về tình hình, kết quả THADS, trên cơ sở đó kịp thời ban hành Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo công tác THADS.
Đề nghị tăng tỷ lệ Chấp hành viên
Thẳng thắn thừa nhận những tồn tại hạn chế trong công tác THADS, Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành cũng làm rõ hơn những nguyên nhân của thực trạng này. Trong khi lượng việc, tiền phải thi hành ngày càng lớn, án liên quan đến tín dụng ngân hàng ngày càng nhiều, giá trị lớn, thi hành rất khó khăn nhưng biên chế không tăng mà lại giảm. Chính vì thế, Tổng cục đề nghị Bộ trưởng xem xét, bổ sung 30 biên chế cho Tổng cục. Đối với địa phương đề nghị tăng tỷ lệ Chấp hành viên từ 41% lên 53,54% trên tổng số công chức theo Đề án vị trí việc làm đã được Bộ Nội vụ thẩm định để giảm áp lực cho Chấp hành viên.
Cũng trên tinh thần nhìn nhận thẳng thắn những tồn tại, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ đã đề xuất thêm các giải pháp liên quan đến công tác phối hợp. Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Văn Bốn đề nghị tới đây Tổng cục THADS tiếp tục phối hợp, rà soát để sửa đổi Luật Bồi thường nhà nước theo hướng khả thi hơn. Tổng cục thường xuyên trao đổi với Cục Bồi thường nhà nước để kịp thời nắm bắt, giải quyết các việc bồi thường trong lĩnh vực THADS. Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đỗ Đức Hiển giải đáp một số vấn đề liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, đào tạo bồi dưỡng và khẳng định tới đây, Vụ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với Tổng cục. Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến đề nghị, với việc chuyển giao thừa phát lại về Cục Bổ trợ, trước mắt cần lập tổ liên ngành xử lý giải quyết những vấn đề liên quan. Còn Giám đốc Học viện Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà gợi ý thời gian tới có thể lập danh sách các giảng viên từ cơ quan THADS được lãnh đạo Bộ, Tổng cục phê duyệt để bổ sung nguồn giảng viên có chất lượng cho Học viện. Chia sẻ những kết quả đạt được cũng như khó khăn của công tác THADS, Phó Chánh Văn phòng Phan Anh Tuấn đề nghị Tổng cục cần tập trung nguồn lực con người, kinh phí để giải quyết các vụ việc trọng điểm. Tổng cục cần tăng cường công tác thông tin để kịp thời xử lý, nhất là với các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Lưu ý công tác chỉ đạo điều hành có lúc “như chưa tới cấp Chi cục”, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho rằng Tổng cục nên thiết kế phần mềm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trong toàn hệ thống để đảm bảo được thông suốt, kịp thời. Trong công tác bổ nhiệm cán bộ cần phải xem xét kỹ, tránh trường hợp cán bộ bị kỷ luật vẫn được đề bạt gây bức xúc dư luận. Đồng tình với đề nghị bổ sung biên chế của Tổng cục, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị Tổng cục có cơ chế thu hút từ các đơn vị khác, cả những người được đào tạo ở nước ngoài. Chia sẻ với những khó khăn của THADS, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu thì nhấn mạnh, cần chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp cho cán bộ công chức trong hệ thống; tiếp tục rà soát kỹ thủ tục hành chính để đơn giản theo hướng công khai, minh bạch và thuận lợi hơn cho người dân. Trong công tác cán bộ cần quan tâm chế độ chính sách cho cán bộ biệt phái.
Tập trung thi hành các vụ án trọng điểm
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Lê Thành Long đã ghi nhận, biểu dương những kết quả của hệ thống THADS đã đạt được trong thời gian qua, thể hiện trên các lĩnh vực: công tác xây dựng thể chế đã được quan tâm; công tác tổ chức cán bộ ngày càng được kiện toàn; việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tổng cục ngày càng sâu sát, quyết liệt, trách nhiệm và tâm huyết; công tác phối hợp với các cấp, ngành đã đi vào chiều sâu, hiệu quả; cơ sở vật chất được tăng cường… Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lo lắng khi kết quả THADS có chuyển biến nhưng chưa ổn định, thiếu tính bền vững; các vụ án trọng điểm, khiếu nại tố cáo kéo dài vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; việc ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm, kỷ luật kỷ cương một số chưa nghiêm...
Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục THADS tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời xây dựng, tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn mới, nhất là trong bối cảnh một số Bộ luật sửa đổi như Bộ luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính… chuẩn bị có hiệu lực. Cũng trong công tác xây dựng thể chế, Bộ trưởng cho biết hoạt động của Thừa phát lại đang gặp nhiều khó khăn, do đó Tổng cục cần phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ để phát triển hoạt động của Thừa phát lại.
Mặc dù còn nhiều khó khăn song Bộ trưởng thể hiện rõ quyết tâm toàn hệ thống phải nỗ lực để đạt các chỉ tiêu được giao. Truyền tải thông điệp hành động của Chính phủ mới, Bộ trưởng yêu cầu năm 2016 phải tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp kéo dài, cần thiết Tổng cục phải báo cáo lãnh đạo Bộ, thậm chí Chính phủ để có biện pháp giải quyết. Ở địa phương cần phát huy vai trò của Ban chỉ đạo THADS.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, cần tăng cường: kỷ luật kỷ cương đối với cán bộ, công chức THADS; kiểm tra giám sát hoạt động THADS đặc biệt ở cấp Chi cục; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác THADS. Vụ Tổ chức cán bộ cần tính toán để tăng biên chế cho một số nhiệm vụ cấp bách của Tổng cục và tính toán cụ thể việc điều động luân chuyển cán bộ, nhất là cấp Chi cục THADS.
Thu Hằng