Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp

06/05/2016
Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp
Ngày 6/5, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp. Đại biểu một số Bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo 63 Sở Tư pháp, một số Cục Thi hành án dân sự tham dự Hội nghị đã cùng nhau đánh giá những kết quả qua 5 năm triển khai thực hiện Luật và đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị với mong muốn Luật được sửa đổi, bổ sung ngày càng phù hợp hơn.
Cấp hơn 1,24 triệu Phiếu Lý lịch tư pháp
Trình bày dự thảo Báo cáo, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp (LLTP) quốc gia Hoàng Quốc Hùng nhận định, sau 5 năm thi hành Luật LLTP cho thấy việc triển khai Luật đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý LLTP và ý nghĩa, giá trị của Phiếu LLTP ngày càng được nâng lên; Bộ Tư pháp và một số Bộ, ngành, địa phương rất quan tâm thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng; từng bước kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân lực làm công tác LLTP… Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP cũng được chú trọng, trong đó Trung tâm LLTP quốc gia xử lý khoảng 99,15% thông tin nhận được, các Sở Tư pháp thì đạt tỷ lệ khoảng 91%.

Đáng chú ý, việc cấp Phiếu LLTP cơ bản đáp ứng được yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và dần được cải cách theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn. Trong 5 năm qua, cả nước đã cấp được trên 1,24 triệu Phiếu LLTP. Số lượng này gần gấp đôi số lượng Phiếu được cấp trong gần 10 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA (hơn 655 nghìn Phiếu). Đặc biệt, đã nghiên cứu áp dụng nhiều giải pháp công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian tra cứu, xác minh thông tin, rút ngắn thời gian trả kết quả cho cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực LLTP.
Bên cạnh các kết quả tích cực, quá trình triển khai Luật LLTP cũng còn một số hạn chế, tồn tại như có những quy định của Luật LLTP phát sinh bất cập; một số Bộ, ngành, địa phương chưa làm thường xuyên, sâu rộng công tác phổ biến, tuyên truyền, quán triệt Luật LLTP; đội ngũ cán bộ làm công tác LLTP ở địa phương còn thiếu về số lượng và tính chuyên nghiệp… Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cho rằng cần thiết sửa đổi Luật LLTP để đáp ứng yêu cầu thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và phát triển LLTP theo hướng hiện đại. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ bổ sung dự án Luật LLTP (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017 và chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh thực hiện một số nội dung liên quan. Bộ Tư pháp cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp của TANDTC, VKSNDTC và kiến nghị UBND cấp tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về vai trò, vị trí của công tác LLTP…
 

Cần sửa đổi các quy định về Phiếu LLTP số 2
Cơ bản nhất trí với những kết quả, những bất cập trong 5 năm thi hành Luật LLTP mà Bộ Tư pháp nêu lên, đại biểu các Bộ, ngành, địa phương còn đưa ra nhiều đánh giá, đề xuất về thực trạng triển khai công tác LLTP, nhất là vấn đề liên quan đến mô hình quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và cấp Phiếu LLTP số 2. Đại diện TANDTC phân tích, mô hình cơ sở dữ liệu LLTP hai cấp tại Trung tâm LLTP quốc gia và tại các Sở Tư pháp là khả thi trong giai đoạn đầu thực hiện Luật LLTP, nhưng hiện nay đang bộc lộ nhiều vướng mắc. Do vậy, theo vị đại diện này, cần xây dựng mô hình quản lý cơ sở dữ liệu LLTP một cấp và đây là mô hình phù hợp với chủ trương của Chính phủ. Đại diện lãnh đạo Cục Theo dõi thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) cũng đề nghị Bộ Tư pháp khi đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật LLTP nên thu gọn đầu mối cung cấp về án tích.
Riêng vấn đề về cấp Phiếu LLTP số 2, nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi theo hướng các nội dung liên quan đến án tích đã được xóa trong Phiếu LLTP số 2 dù có thể sẽ nảy sinh mâu thuẫn về lợi ích giữa quyền tiếp cận thông tin và quyền bảo vệ bí mật thông tin cá nhân. Cụ thể, đại diện TANDTC đề xuất, Phiếu số 2 chỉ được cấp trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Văn Vũ thì đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ sửa quy định về thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 theo hướng không cấp Phiếu số 2 cho cá nhân và chỉ cấp Phiếu cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
 
Ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được qua 5 năm thi hành Luật, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng điểm lại một số hạn chế nên quan tâm khắc phục và khẳng định cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật LLTP phù hợp hơn với thực tiễn và điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Chia sẻ với những khó khăn và quyết tâm nỗ lực vượt qua của đội ngũ cán bộ làm công tác LLTP, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh thời gian tới cần tiếp tục áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin song song với hoàn thiện thêm quy trình, thủ tục cấp Phiếu LLTP, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, tổ chức, cơ quan.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác LLTP. Thay mặt Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã trao tặng Bằng khen cho một số tập thể, cá nhân đại diện cho 40 tập thể, 50 cá nhân được khen thưởng.
                                                                                                    Cẩm Vân