Sáng 27/4, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì phiên họp thường kỳ của Hội đồng Khoa học Bộ nhằm xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2017.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho biết, từ 55 đề xuất của các đơn vị, Viện đã rà soát và lập danh mục 21 đề xuất nhiệm vụ cấp Bộ để lấy ý kiến chuyên gia. Ngoài 4 nhiệm vụ thuộc ưu tiên nhóm hai, 5 nhiệm vụ không ưu tiên thì có 12 nhiệm vụ thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu.
Trao đổi tại phiên họp, các thành viên Hội đồng cho rằng phải có tiêu chí xác định những nhiệm vụ khoa học cần ưu tiên. Chẳng hạn, theo PGS.TS. Dương Đăng Huệ, các tiêu chí đó bao gồm tính liên quan, tính mới, tính lý luận và tính thời sự, cấp bách. Trên cơ sở này, ông Huệ góp ý 2 nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Tư pháp cần tiến hành làm sớm chính là bình luận khoa học Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự, đưa vào nhóm nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Ông Huệ cũng đề nghị bổ sung đề xuất của Trường Đại học Luật Hà Nội về việc sử dụng án lệ trong giảng dạy và nghiên cứu bởi với tư cách trung tâm đào tạo khoa học pháp lý, Trường cần đi đầu trong sử dụng án lệ vào giảng dạy, nghiên cứu.
Đồng quan điểm, TS.Hoàng Ngọc Thỉnh phân tích, mặc dù không được Viện Khoa học pháp lý đưa vào danh mục ưu tiên song vấn đề án lệ rất cần được nghiên cứu. Gần đây, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã lựa chọn 35 án lệ, trong khi thực trạng dùng án lệ để giảng dạy ở nước ta chưa có tiền lệ. Nếu sử dụng án lệ trong giảng dạy và nghiên cứu sẽ thay đổi phương pháp giảng dạy nhiều lý thuyết, ít thực tiễn hiện nay. Hơn nữa, để thực hiện mục tiêu trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội phải nắm thời cơ đổi mới phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, ông Thỉnh chia sẻ, trong điều kiện kinh phí không cho phép, có thể đưa đề xuất này vào ưu tiên nhóm 2.
Bên cạnh một số ý kiến chưa nhất trí, PGS.TS Trần Văn Độ và TS Nguyễn Thị Minh lại ủng hộ đề xuất “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tiền ảo trong pháp luật Việt Nam hiện hành” khi nhận thấy đây là đề tài hay, phù hợp với nền kinh tế thị trường. Có điều, nên theo hướng nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn của một số quốc gia và hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam bởi nước ta chưa có quy định pháp luật cụ thể về tiền ảo. Lý giải thêm về đề xuất này, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho biết, xuất phát từ tình hình thực tiễn những vụ việc liên quan đến tiền ảo nên Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu vấn đề này.
|
|
Cơ bản đồng tình với ý kiến của các thành viên Hội đồng, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, các nhiệm vụ khoa học cần đảm bảo tiêu chí về chuyên môn và kỹ thuật. Cụ thể là nghiên cứu khoa học phải “đi trước” một bước, tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn quản lý, điều hành của ngành, ưu tiên một số lĩnh vực liên quan đến đào tạo, công tác cán bộ, đồng thời không dàn trải, phân bổ hợp lý đối với các đơn vị tham gia. Trong số các nhiệm vụ khoa học năm 2017, Bộ trưởng đồng ý ưu tiên bình luận khoa học 2 Bộ luật lớn. Còn riêng với án lệ, Bộ trưởng đề nghị trước mắt thí điểm trong giảng dạy tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Cẩm Vân