Năm 2015 với nhiều dấn ấn trong phổ biến, giáo dục pháp luật

27/01/2016
Năm 2015 với nhiều dấn ấn trong phổ biến, giáo dục pháp luật
Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương nhấn mạnh tại phiên họp lần thứ 6 của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương diễn ra sáng nay – ngày 27/1 tại Hà Nội.

Tạo thói quen tự giác học tập pháp luật trong xã hội

Báo cáo kết quả công tác PBGDPL năm 2015, Quyền Vụ trưởng Vụ PBGDPL Đỗ Xuân Lân cho biết: công tác PBGDPL đã được triển khai bài bản, rộng khắp gắn liền với triển khai thực hiện Luật PBGDPL. Nội dung PBGDPL ngày càng bám sát công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật. Bên cạnh việc duy trì, phát triển các hình thức PBGDPL truyền thống, các Bộ, ngành, địa phương đã sáng tạo, áp dụng nhiều hình thức, mô hình PBGDPL mới, phù hợp với đối tượng, địa bàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Điểm sáng nổi bật trong công tác PBGDPL năm 2015 là tổ chức thành công Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp, tuyên truyền, quán triệt, phổ biến gắn với triển khai thi hành các luật, pháp lệnh mới ban hành; lấy ý kiến nhân dân đối với các Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và các dự thảo luật có liên quan đến các lĩnh vực thiết thực với người dân, doanh nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm trong tôn trọng, chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tạo nên thói quen tự giác học tập pháp luật trong xã hội.

 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nội dung PBGDPL ở một số Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương còn dàn trải, thiếu trọng tâm, chưa sát với nhu cầu, chưa gắn với trách nhiệm, học tập tìm hiểu pháp luật và hoạt động tập huấn nghiệp vụ của cán bộ, công chức; cách thức triển khai PBGDPL ở một số Bộ, cơ quan, địa phương còn hình thức, chưa tạo chuyển biến rõ rệt trong ý thức tôn trọng chấp hành pháp luật; chưa gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành và bảo vệ pháp luật; chính sách xã hội hóa PBGDPL chưa được triển khai rộng rãi, chưa thu hút được nhiều nguồn lực tham gia hỗ trợ, tài trợ công tác PBGDPL.

Nhân rộng các mô hình PBGDPL hay, hiệu quả

Từ thực tiễn theo dõi công tác PBGDPL ở một số địa phương, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, nhiều Đề án, chương trình tuyên truyền PBGDPL nhiều đoàn thể cùng triển khai dẫn đến tình trạng chồng chéo, dàn trải nguồn lực. Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật ở nhiều cơ sở chưa hiệu quả. Nhiều cuốn sách pháp luật giấy còn mới nguyên như lúc vận chuyển về, có trang giấy còn chưa rọc. “Cần tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể trong tuyên truyền PBGDPL; khai thác, sử dụng có hiệu quả các Tủ sách pháp luật, tăng cường đối thoại chính sách, sân khấu hóa ở các phiên chợ cho đồng bào vùng cao, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên mạng xã hội, phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí” – bà Bùi Thị Hòa đề nghị. Đồng tình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch Huỳnh Văn Ái đề xuất, địa phương nào đã khai thác sử dụng tốt Tủ sách pháp luật thì cần tiếp tục phát huy. Địa phương nào làm chưa hiệu quả thì nên lồng ghép với thư viện.

   

Về các mô hình hiệu quả trong tuyên truyền PBGDPL, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, trước tiên cần thu hút được sự chú ý của người dân từ các hoạt động tuyên truyền lưu động, liên hoan văn nghệ quần chúng, treo các pano, áp phích... Sau khi có được sự chú ý ban đầu mới tiến hành tuyên truyền, PBGDPL. Theo Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, hiện nay có quá nhiều luật, điều luật còn khó hiểu với người dân. Do đó cần có hình thức bổ trợ cho công tác tuyên truyền, PBGDPL như xây dựng các tiểu phẩm pháp luật, các phiên tòa giả định, phù hợp, thiết thực với các nhóm đối tượng.

Các ý kiến thành viên Hội đồng cũng đề xuất triển khai rộng rãi chính sách xã hội hóa công tác PBGDPL huy động rộng rãi các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác PBGPL.

Lấy ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả của phổ biến, giáo dục pháp luật

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương nhấn mạnh, nhiệm kỳ 2011-2015 và năm 2015 công tác tuyên truyền, PBGDPL có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả hơn, từng bước đi vào thực chất, ý thức tôn trọng pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp 2013 trong cán bộ, đảng viên, nhân dân đã có chuyển biến quan trọng, góp phần tích cực vào thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp. Tuy nhiên, công tác xây dựng, ban hành kế hoạch tuyên truyền, PBDGPL của Hội đồng ở một số bộ, ngành, đoàn thể, địa phương còn chậm, dàn trải. Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp, có biểu hiện gia tăng các vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, trong đó số vụ vi phạm hành chính vẫn ở mức cao; một bộ phận người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, chưa tự giác tích cực, học tập, tìm hiểu pháp luật và nghiêm chỉnh thực thi, chấp hành pháp luật... 

 

   

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, công tác PBGDPL giai đoạn 2016-2020 đứng trước nhiều cơ hội cũng như phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Hội đồng cần tư vấn đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL, trọng tâm là công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức tiếp cận, sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, coi đây là khâu đầu tiên và có vai trò quan trọng trong tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, tư vấn để triển khai thực hiện tốt chính sách xã hội hóa hoạt động PBGDPL để thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội; quan tâm PBGDPL cho các đối tượng đặc thù và tại các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn. “Phải lấy ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả của công tác PBGDPL” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.

Hoàng Vy Anh