Hội thảo diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày (15-16/12/2015) với sự tham dự của nhiều đại diện đến từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, VCCI, Sở Tư pháp một số tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các chuyên gia độc lập, nhà khoa học đến từ các trường Đại học, các tổ chức nghiên cứu luật pháp tại Việt Nam …
Nhiều vấn đề quan trọng của dự thảo Nghị định được đưa ra thảo luận
Khẳng định Luật BHVBQPPL năm 2015 là một bước tiến quan trọng trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: “điểm dễ nhìn thấy nhất là Luật BHVBQPPL năm 2015 đã hợp nhất 2 Luật BHVBQPPL năm 2008 và năm 2004, đơn giản hóa một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật, tách bạch giai đoạn hoạch định, xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản”. Thứ trưởng cũng cho rằng cùng với những yêu cầu khác của Luật BHVBQPPL, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật BHVBQPPL (dự thảo Nghị định) sẽ bảo đảm tính khả thi. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận một số vấn đề quan trọng như: dịch văn bản ra tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài, cơ quan nào chịu trách nhiệm dịch văn bản và bảo đảm chất lượng của bản dịch; đối với vấn đề Công báo, cơ quan nào sẽ quản lý Công báo để bảo đảm tính hệ thống, đồng nhất và thuận tiện; nguồn lực để bảo đảm cho việc xây dựng văn bản và tổ chức thực thi...
Đồng chủ trì Hội thảo - ông Isabeau Vilandré, Giám đốc Văn phòng Dự án NLD cũng khẳng định vấn đề xây dựng chính sách là rất quan trọng, nó giúp xác định đúng vấn đề trong xây dựng VBQPPL để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và bảo đảm tính khả thi. Ông Isabeau Vilandré cũng cho rằng, dự thảo Nghị định đã quy định tất cả các vấn đề quan trọng và hướng dẫn việc xây dựng VBQPPL, tuy nhiên dự thảo Nghị định này “không phải là công cụ duy nhất”, bên cạnh đó còn có Sổ tay về việc xây dựng chính sách và Sổ tay soạn thảo VBQPPL dựa trên kinh nghiệm của Canada. Đây sẽ là những công cụ với những biểu mẫu, chuẩn mực, để Bộ, ngành nắm rõ được quy trình xây dựng chính sách, cũng như những chuẩn mực rà soát, đánh giá, thẩm định, thẩm tra, để quy trình xây dựng chính sách được khách quan. Ông Isabeau Vilandré cũng nhấn mạnh về vai trò của những thành viên Ban soạn thảo, tổ biên tập và cho rằng họ sẽ phải chuyên môn hóa hơn khi chính họ là những người nắm chắc và chuyển thể được chính sách thành VBQPPL.
Cần bổ sung đầy đủ hơn các quy định về dịch VBQPPL ra tiếng dân tộc thiểu số
Liên quan đến quy định dịch VBQPPL, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Võ Văn Tuyển cho biết, hiện nay việc dịch VBQPPL ra tiếng nước ngoài còn chưa chuyên nghiệp, thiếu sự kiểm soát của nhà nước…, do đó, dự thảo Nghị định giữ nguyên quy định hiện hành, theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản sẽ chủ trì, phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam dịch VBQPPL ra tiếng Anh. Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định bản dịch VBQPPL ra tiếng Anh đối với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cơ bản nhất trí với quy định trên, song Tổng Biên tập Tạp chí Luật Việt Nam và diễn đàn pháp lý Nguyễn Minh băn khoăn, ngoài việc bắt buộc phải dịch các VBQPPL là luật, nghị quyết, pháp lệnh thì cơ quan nào sẽ quyết định việc chọn lựa các nghị định, quyết định, thông tư để dịch ra tiếng Anh. Ông Nguyễn Minh chia sẻ, do không thể đủ nguồn lực, nên việc lựa chọn và dịch văn bản phải đáp ứng hai yêu cầu: Tuyên truyền phổ biến pháp luật và nhu cầu của độc giả nước ngoài muốn nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật Việt Nam. Khẳng định việc dịch VBQPPL ra tiếng nước ngoài là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu minh bạch hệ thống pháp luật trong quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước, ông đã đưa ra một số giải pháp để bảo đảm chất lượng bản dịch. Về thẩm định bản dịch, theo ông Nguyễn Minh, dịch VBQPPL ra tiếng nước ngoài là công việc không hề đơn giản, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Việc thẩm định sẽ thực hiện như thế nào khi có nhiều bản dịch dài, cần thẩm định trong cùng một thời gian, để bảo đảm thời hạn thẩm định trước khi đưa lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật hay đối với VBQPPL ngắn, nội dung đơn giản có cần thành lập Hội đồng thẩm định hay không.
Chia sẻ quan điểm của ông Nguyễn Minh về vấn đề nêu trên, ông Phan Hồng Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc đánh giá: Nếu bản dịch có giá trị tham khảo như Dự thảo Nghị định quy định thì có cần thiết phải thành lập Hội đồng thẩm định hay không. Cũng theo ông Phan Hồng Thủy quy định về việc dịch VBQPPL ra tiếng dân tộc thiểu số trong Dự thảo Nghị định còn sơ sài. Nếu như quy định về nội dung chi cho hoạt động lập đề nghị xây dựng VBQPPL trong dự thảo Nghị định có mục chi cho dịch tài liệu kinh nghiệm nước ngoài thì “tìm mỏi mắt” cũng không thấy quy định mục chi cho dịch VBQPPL ra tiếng dân tộc thiểu số vốn đang là vấn đề khó khăn lớn hiện nay. Cũng theo ông, dự thảo Nghị định cần quy định cụ thể về việc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc quyết định việc dịch văn bản của Trung ương, còn Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ quyết định việc dịch văn bản của địa phương để tránh chồng chéo, lãng phí việc dịch văn bản. Ông cũng băn khoăn về vấn đề dự thảo Nghị định chưa quy định “ai sẽ bảo đảm tính chính xác của bản dịch VBQPPL ra tiếng dân tộc thiểu số”.
Văn bản quy định chi tiết phải được ban hành cùng thời điểm có hiệu lực của Luật – một thách thức không nhỏ
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trình bày quan điểm của mình và đưa ra nhiều câu hỏi có liên quan đến các vấn đề khác nhau của dự thảo Nghị định như: kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; bảo đảm nguồn kinh phí, nhân lực cho công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, đánh giá tác động của chính sách…
Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp cho biết, với Luật BHVBQPPL năm 2015 công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL có một số thay đổi về đối tượng điều chỉnh; trách nhiệm thực hiện rà soát, hệ thống hóa; thẩm quyền quyết định tổng rà soát hệ thống hóa VBQPPL; hình thức xử lý văn bản được rà soát… Chỉ ra những ưu điểm của dự thảo Nghị định quy định về rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, ông Lê Hồng Sơn cũng nêu ra các tồn tại của dự thảo cần được chỉnh lý cho phù hợp như: quy định cụ thể hơn về cách thức xác định rõ trường hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội làm căn cứ rà soát văn bản; trách nhiệm lập kế hoạch rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực nên giao cho đơn vị chuyên môn thay cho Vụ Pháp chế để phù hợp với thực tiễn; hoàn thiện các biểu mẫu phục vụ cho công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL…
Đề cập đến vấn đề đánh giá tác động chính sách và đánh giá tác động văn bản, bà Dương Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp băn khoăn “việc đánh giá tác động chính sách và đánh giá tác động văn bản khác nhau như thế nào”? hay “Chính sách mà phát sinh trong quá trình xây dựng văn bản có cần phải quay lại Chính phủ phê duyệt hay không”?... Liên quan đến việc văn bản quy định chi tiết phải được ban hành cùng thời điểm có hiệu lực của Luật, bà cho rằng ngay với các Bộ, ngành ở Trung ương đây vẫn là vấn đề khó thực hiện, và đối với địa phương thì còn là “thách thức vô cùng lớn”. Theo bà, “văn bản của địa phương không có hiệu lực hồi tố, vì vậy nếu chậm ban hành ngày nào sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người dân ngày đó”. Để khắc phục tình trạng này, trước hết cần phải trả lời được câu hỏi: “để ban hành được văn bản quy định chi tiết cần bao nhiêu thời gian?”.
Tại hội thảo, nhiều vấn đề còn băn khoăn được các đại biểu đặt ra tại Hội thảo đã được ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật giải đáp, đồng thời ghi nhận để Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Nghị định cho phù hợp.
Hội thảo diễn ra trong hai ngày với nhiều vấn đề quan trọng của dự thảo Nghị định được đưa ra bàn thảo và lấy ý kiến.
Hoàng Vy Anh