Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, từ khi nước ta bắt tay vào công cuộc đổi mới năm 1986, đặc biệt vào năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 48 và Nghị quyết 49, công tác xây dựng pháp luật của Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng. Đến nay, hầu hết các lĩnh vực đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền và ngày càng phù hợp với những định hướng trong 2 Nghị quyết trên.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, công tác tổ chức thi hành pháp luật (THPL) và theo dõi tình hình THPL lại chậm hơn “một bước” so với công tác xây dựng pháp luật. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có lý do như tính khả thi của các quy phạm pháp luật, văn hóa tuân thủ pháp luật còn hạn chế, hay việc tổ chức THPL và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu.
Nhấn mạnh theo dõi thi hành pháp luật liên quan đến nhiều “ngóc ngách” của đời sống xã hội, Thứ trưởng Lê Thành Long chia sẻ đây là công việc khó. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cần phải rà soát, xem xét với phạm vi rộng như vậy qua 3 năm đã làm được gì, những khó khăn và hạn chế trong công tác triển khai thực tế. “Việc sơ kết cũng nhằm chấn chỉnh lại kỷ luật, kỷ cương, trước hết trong các cơ quan nhà nước trong THPL” - Thứ trưởng đúc rút.
Báo cáo cụ thể hơn về kết quả 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 59, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL Đặng Thanh Sơn điểm lại những mặt tích cực. Theo đó, công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác theo dõi tình hình THPL được quan tâm, các đơn vị có chức năng theo dõi tình hình THPL được thành lập và từng bước được kiện toàn; hoạt động quản lý nhà nước về công tác theo dõi tình hình THPL được quan tâm và đẩy mạnh… Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém như việc theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành chưa được thực hiện trên diện rộng; quản lý nhà nước về công tác này ở một số Bộ, cơ quan, địa phương còn lúng túng, chậm được đổi mới…
Để khắc phục những tồn tại trong theo dõi THPL, theo ông Sơn, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định số 59, bảo đảm thực hiện tốt sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với công tác theo dõi THPL được bài bản, khoa học hơn, bám sát trọng tâm, trọng điểm. Còn về lâu dài, phải có giải pháp đột phá đổi mới về tổ chức và hoạt động của công tác theo dõi tình hình THPL cũng như hoàn thiện thể chế pháp luật về theo dõi tình hình THPL và tạo các điều kiện cơ bản, đầy đủ cho việc tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm công tác theo dõi THPL.
Đồng tình với giải pháp lâu dài của ông Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.Hà Nội Tống Thị Thanh Nam phân tích, công tác theo dõi THPL có vị trí vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, nhưng do điều kiện hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội có một giai đoạn công tác theo dõi THPL chưa được quan tâm thỏa đáng. Cơ sở pháp lý đầu tiên trên về công tác theo dõi THPL mới đang ở tầm Nghị định nên việc ban hành một thể chế pháp lý hiệu lực cao sẽ tạo điều kiện cho công tác này được tổ chức thực hiện thuận lợi. “Bộ Tư pháp cần nghiên cứu báo cáo Chính phủ việc xây dựng và đề nghị Quốc hội ban hành Luật quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác theo dõi THPL. Đó là Luật về tổ chức THPL, trong đó có quy định về công tác theo dõi THPL” – bà Nam kiến nghị.
Thục Quyên
Anh Cuc CNTT