Mục đích của ASLOM 16 lần này là nhằm (i) kiểm điểm, rà soát, đánh giá việc thực hiện các nội dung, sáng kiến trong lĩnh vực hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các quốc gia nước thành viên ASEAN trong các kỳ ASLOM lần trước, đặc biệt là ASLOM lần thứ 14 và Hội nghị Bộ trưởng tư pháp các nước ASEAN lần thứ 8 (ALAWMM 8) tổ chức tại Phnompenh, Cam-pu-chia năm 2011, ASLOM lần thứ 15 tổ chức tại Viên chăn -Lào năm 2013 ii) thảo luận về tiến độ thực hiện các hoạt động hợp tác trong ASEAN, và (iii) thảo luận, đề xuất các nội dung mới trong hợp tác khu vực ASEAN.
Các nội dung cụ thể:
Trong 2 ngày làm việc liên tục, ASLOM đã tập trung rà soát các nhóm vấn đề chính đã được thảo luận và thống nhất tại ASLOM 16, bao gồm: 1) Những vấn đề chung về hợp tác qua phát biểu của các Trưởng đoàn; 2) Nhóm nội dung về thông tin pháp luật; 3) Nhóm nội dung về tư pháp hình sự; 4) Nhóm nội dung về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật dân sự, thương mại; 5) Các sáng kiến, nội dung khác.
ASLOM 16 lần này ghi nhận những biến chuyển tích cực và kết quả đạt được cũng như đánh giá cao việc tham gia của Xinh-ga-po, Thái Lan và đặc biệt là Việt Nam vào các hoạt động này bằng việc cử và tiếp nhận nhiều đoàn cán bộ của các nước thành viên sang học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau cũng như tham gia các diễn đàn pháp luật trong khu vực.
Về cơ quan đầu mối về thông tin pháp luật và Danh bạ pháp luật ASEAN, Hội nghị ghi nhận việc Thái Lan, Việt Nam, Lào thường xuyên thông báo, cập nhật thông tin liên quan đến triển khai hai Sáng kiến này đồng thời đề nghị các nước thành viên khác lưu ý cập nhật thông tin.
Nhóm nội dung về tư pháp hình sự
Hợp tác về tư pháp hình sự là nội dung truyền thống và được bắt đầu sớm trong khuôn khổ ALAWMM và ASLOM với sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia thành viên ASEAN. Nhiều nội dung hợp tác về tư pháp hình sự đã được thảo luận và đánh giá về tiến độ, kết quả đạt được tại Hội nghị lần này, trong đó tập trung vào:
(i) Xây dựng Hiệp định mẫu ASEAN về dẫn độ (MAET):
Chia sẻ quan điểm với một số nước thành viên khác, Việt Nam mong muốn có cơ sở pháp lý để thực hiện dẫn độ giữa các nước ASEAN với hình thức song phương hoặc đa phương. Tuy nhiên, dẫn độ là vấn đề phức tạp nên mỗi nước sẽ có các phương thức áp dụng khác nhau. Việt Nam cho rằng nên xây dựng Hiệp định mẫu về dẫn độ để trên cơ sở đó, các nước thành viên có thể đàm phán, ký kết các Hiệp định song phương về nội dung này.
ASLOM 16 nhất trí, các nước thành viên sẽ hoàn thiện cơ chế thực hiện dẫn độ trên cơ sở các nguyên tắc của Hiệp định mẫu và vào thời điểm thích hợp, sẽ xem xét khả năng xây dựng một Hiệp định dẫn độ trong khu vực. Hội nghị đánh giá cao đề xuất của Xinh-ga-po về tiếp tục tổ chức Phiên họp tiếp theo của Nhóm công tác nhằm hoàn thiện dự thảo Hiệp định mẫu ASEAN về dẫn độ để đẩy mạnh sáng kiến này. Thời gian và địa điểm tổ chức Phiên họp sẽ được thông báo sau tới các nước thành viên.
(ii) Xây dựng Luật mẫu về an ninh hàng hải:
Ma-lai-xi-a – nước chủ động đưa ra sáng kiến này – đang tập hợp ý kiến của tất cả các quốc gia thành viên. Tính đến nay, mới có Việt Nam, Xinh-ga-po, Thái Lan và Mi-an-ma có ý kiến phản hồi. Hội nghị đề nghị các quốc gia còn lại gửi thông tin phản hồi trong thời gian sớm nhất để Ma-lai-xi-a có cơ sở báo cáo Hội nghị ASLOM và ALAWMM tới về hướng đi tiếp theo.
Nhóm nội dung về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật dân sự, thương mại
Tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại
Hội nghị lần này đã nghe Trưởng đoàn Việt Nam cập nhật thông tin liên quan đến việc xây dựng Dự thảo Hiệp định khu vực ASEAN về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công vụ nước ngoài (gọi tắt là Hiệp định Mini-Apostille) dựa trên cơ sở của Công ước La-hay về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công vụ nước ngoài (Công ước Apostille) và trên cơ sở ý kiến trả lời của các quốc gia thành viên về Dự thảo 1 Hiệp định do Việt Nam chủ trì xây dựng.
Sau nhiều Phiên họp của Nhóm công tác ASLOM về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại, Việt Nam đã chủ trì xây dựng Dự thảo Hiệp định và nhiều lần gửi lấy ý kiến các nước thành viên. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các nước ASEAN, đặc biệt cân nhắc đến bối cảnh hiện nay, khi nhiều nước ASEAN đã có những bước phát triển mới trong việc nghiên cứu, gia nhập các Công ước của Hội nghị La Hay, trong đó có cả Công ước Apostille, Việt Nam thấy rằng việc tiếp tục xây dựng Hiệp định ASEAN về Apostille tại thời điểm này không còn phù hợp nữa. Do vậy, tại ASLOM lần này, Việt Nam đề xuất không tiếp tục xây dựng Hiệp định ASEAN về Apostille mà thay vào đó các nước ASEAN sẽ nghiên cứu việc gia nhập Công ước La Hay về miễn hợp pháp hoá giấy tờ công vụ. Đồng thời, Đoàn Việt Nam cũng đề xuất các nước thành viên tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, gia nhập các Công ước khác của Hội nghị La Hay và đề xuất sẽ chủ trì tổ chức hội thảo về nội dung này trong thời gian tới, tạo điều kiện để các quốc gia thành viên trao đổi về khả năng tiếp tục nghiên cứu xây dựng các Hiệp định khác về tương trợ tư pháp đối với các nội dụng tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp, lựa chọn tòa án... dựa trên khuôn khổ các Công ước đa phương của La-hay về các nội dung này.
ASLOM 16 đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam triển khai Sáng kiến này trong thời gian qua và nhất trí với đề xuất của Việt Nam.
Hài hoà hoá pháp luật thương mại ASEAN
Hài hòa hóa pháp luật thương mại ASEAN là Sáng kiến do Xinh-ga-po đề xuất. Đây là một vấn đề mới và phức tạp do các quy định pháp luật giữa các nước ASEAN là khác nhau. Bên cạnh các yêu cầu hài hòa hóa pháp luật ASEAN mang tính bắt buộc thông qua các cam kết, nhất là trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các quốc gia ASEAN cũng có nhiều nỗ lực trong việc triển khai hài hòa hóa pháp luật tự nguyện, đặc biệt là thông qua Nhóm công tác kiểm tra các vấn đề hài hòa hóa pháp luật thương mại quốc tế của ASEAN.
Tại cuộc họp lần này, đại diện các nước đã trao đổi và cập nhật thông tin về những thay đổi về pháp luật của các nước mình liên quan tới 4 lĩnh vực trọng tài, mua bán hàng hóa quốc tế, thương mại điện tử và mua sắm chính phủ, trong đó chủ yêu là lĩnh vực trong tài thương mại và Mua bán hàng hóa quốc tế. Ngoài ra, Nhóm công tác cũng đã thảo luận một số đề xuất mới của Xinh-ga-po nêu ra trong Phiên họp này. Bà Đặng Hoàng Oanh - Trưởng ASLOM Việt Nam cũng chia sẻ một số thông tin về những nội dung nói trên.
ASLOM 15 đã nghe Xinh-ga-po báo cáo về kết quả Phiên họp Nhóm công tác lần thứ 6 Nhóm công tác ASLOM (được tổ chức ngày 18/10/2015, ngay trước thềm ASLOM 16) về nội dung này. Tại phiên họp, Xinh-ga-po và các nước thành viên cập nhật thông tin về nội dung liên quan tới 4 lĩnh vực trọng tài, mua bán hàng hóa quốc tế, thương mại điện tử và mua sắm chính phủ, trong đó chủ yếu là lĩnh vực trọng tài thương mại và Mua bán hàng hóa quốc tế. Việt Nam cập nhật một số nội dung liên quan đến pháp luật thương mại trong đó đề cập đến những vướng mắc xung quanh việc công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài thương mại; những tiến bộ trong việc hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại với việc xây dựng Nghị định về hoà giải thương mại; hoàn thành Đề án trình Chính phủ về việc gia nhập Công ước Viên về mua bán hàng hoá quốc tế…Việt Nam cũng là một trong hai quốc gia trả lời Bảng hỏi của Xinh-ga-po về thương mại điện tử và mua bán hàng hoá quốc tế sớm nhất.
Tiếp tục triển khai sáng kiến này, trong thời gian tới đây, Xinh-ga-po sẽ tập trung nghiên cứu pháp luật ASEAN về thương mại điện tử với phương thức thực hiện như nội dung về trọng tài và mua bán hàng hóa quốc tế. Hội nghị cũng thống nhất việc các quốc gia thành viên cần thúc đẩy tiếp nội dung hài hòa hóa pháp luật các nước ASEAN về mua bán hàng hóa quốc tế thông qua việc nghiên cứu, hoặc tổ chức và cử cán bộ công tác trong lĩnh vực pháp luật thương mại tham gia các khóa tập huấn về nội dung này, tập trung vào các lĩnh vực thương mại điện tử...
Các sáng kiến, nội dung khác
Hiệp định ASEAN về bảo tồn môi trường biển và duyên hải
Sáng kiến này của Ma-lai-xi-a (mới được đưa vào từ ASLOM 15 tổ chức tại Viên-chăn hồi cuối 2013) với mục đích xây dựng một khuôn khổ pháp lý chung trong ASEAN về bảo tồn môi trường biển và vùng duyên hải, bảo đảm phát triển bền vững trong khu vực. ASLOM 15 ghi nhận việc bảo tồn môi trường vùng biển và vùng duyên hải là nội dung đa lĩnh vực và xuyên quốc gia, chứ không chỉ thuộc chức năng của một Hội nghị Bộ trưởng ASEAN chuyên ngành cụ thể. Hội nghị nhất trí trong trường hợp nội dung này vượt quá thẩm quyền được giao của ALAWMM, Cơ quan điều phối ASEAN (ACC) sẽ quyết định một Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành thích hợp phụ trách tiếp tục triển khai vấn đề này. Mặc dù vậy, Hội nghị đề nghị các nước thành viên còn lại sớm gửi ý kiến trả lời để Ma-lai-xi-a có cơ sở xem xét, đề xuất các hoạt động tiếp tục triển khai Sáng kiến này.
Tự do hoá các nghề pháp lý tại các nước thành viên ASEAN
ASLOM 16 đã nghe Ban thư ký ASEAN cập nhật thông tin về lộ trình triển khai tự do hoá các nghề pháp lý trong khu vực do Uỷ ban điều phối các dịch vụ pháp lý thực hiện, trong đó đề cập đến những cam kết thực hiện Bản chào gói dịch vụ thứ 8 và thứ 9 (AFAS 8 và 9). Tại Hội nghị này, Việt Nam bày tỏ hi vọng các nước thành viên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, trao đổi về dịch vụ pháp lý góp phần thúc đẩy tiến trình tự do hóa trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý trong ASEAN.
Hội nghị ghi nhận tầm quan trọng của Sáng kiến này đồng thời đánh giá cao nỗ lực của các nước thành viên trong việc cập nhật thông tin và ban hành các quy định pháp luật để triển khai thực hiện Sáng kiến này.
Hội thảo khu vực về quy trình ban hành pháp luật các nước ASEAN:
Hội nghị nghe In-đô-nê-xi-a với tư cách là nước đề xuất Sáng kiến cập nhập với Hội nghị kết quả Hội thảo khu vực về quy trình ban hành pháp luật các nước ASEAN được tổ chức tại Gia-các-ta vào 2014. Hội nghị đánh giá cao nỗ lực của In-đô-nê-xi-a trong việc triển khai Sáng kiến này và mong muốn In-đô-nê-xi-a tiếp tục tổ chức những hội thảo tương tự trong tương lai.
Đề xuất của Ma-lai-xi-a về Hiệp định ASEAN về Chuyển giao tù nhân (ASEAN Transfer of Prisoners) và đề xuất của Phi-lip-pin về Hiệp định ASEAN về chuyển giao người thi hành án phạt tù (ASEAN Convention on Transfer of Sentenced Persons (ACTSP):
Hội nghị nghe Ma-lai-xi-a và Phi-lip-pin thuyết trình rõ hơn về đề xuất của mình. Hội nghị cũng nhắc lại việc không đạt được sự đồng thuận về hai đề xuất tại này ASLOM 15 (vào thời điểm đó, ASLOM 15 cho rằng đề xuất của Ma-lai-xi-a và Phi-lip-pin tương tự như nhau và đề nghị xem xét kết hợp hai đề xuất này, đồng thời ghi nhận những bình luận của các nước thành viên về đề xuất của hai nước. Tuy nhiên, ASLOM 15 đã không đạt được sự đồng thuận về việc kết hợp hai đề xuất của Ma-lai-xi-a và Phi-lip-pin.)
Do vậy, ASLOM 16 lần này đánh giá cao đề xuất của Phi-lip-pin cùng phối hợp triển khai sáng kiến này với Ma-lai-xi-a, thông qua việc đồng tổ chức Diễn đàn pháp luật ASEANvề xây dựng Hiệp định ASEAN chuyển giao người đang thi hành hình phạt tù, dự kiến diễn ra vào năm 2016.
Đề xuất của Thái Lan về Nhóm tư vấn về Hội thảo ASEAN về Phòng chống tội phạm và Tư pháp hình sự
Tại Hội nghị, Thái Lan trình bày về mục đích thành lập Nhóm tư vấn Hội thảo ASEAN về Phòng chống tội phạm và Tư pháp hình sự, nhằm tạo diễn đàn để các nước thành viên trao đổi và chia sẻ thông tin về tăng cường các thiết chế tư pháp hình sự và phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên biên giới. Hội nghị hoan nghênh đề xuất của Thái Lan về dự kiến tổ chức phiên họp của Nhóm Tư vấn vào cuối năm 2016.
Diễn đàn Toà án tốt và Hợp tác tư pháp
ASLOM 16 đã nghe Ban Thư ký cập nhật thông tin về Diễn đàn Toà án Tốt và Tăng cường hợp tác tư pháp, tổ chức lần thứ nhất tại Xinh-ga-po vào tháng 3/2014 và lần thứ hai vào tháng 10/2014 tại Phnom-Pênh, Cam-pu-chia. Đề cập tới Hội nghị Chánh án khu vực ASEAN mới được thành lập thời gian gần đây, Hội nghị lưu ý việc tăng cường phối hợp giữa ALAWMM với Hội nghị Chánh án khu vực ASEAN cùng Diễn đàn Toà án Tốt và Tăng cường hợp tác tư pháp trong việc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa các quốc gia thành viên.
Các đề xuất mới tại ASLOM 16:
Đề xuất của Xinh-ga-po về thành lập Nhóm công tác nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước La Hay 2005 về lựa chọn Toà án
Tại Hội nghị, Xinh-ga-po thuyết trình về sự cần thiết thành lập nhóm Công tác ASLOM nghiên cứu Công ước La Hay về lựa chọn Toà án. ASLOM 16 ghi nhận việc lựa chọn gia nhập công ước quốc tế là vấn đề thuộc chủ quyền của mỗi nước thành viên và các nước thành viên cần tham vấn các cơ quan hữu quan về nội dung này. Đồng thời, Hội nghị hoan nghênh đề xuất của Xinh-ga-po về tổ chức Hội thảo trong khuôn khổ AGLOP để nghiên cứu về nội dung này.
Về vấn đề này, Trưởng đoàn Việt Nam cho rằng Công ước về Thỏa thuận lựa chọn tòa án là Công ước mới, nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền tài phán, vấn đề công nhận và thi hành bản án của tòa án nước ngoài. Hơn nữa, đến nay Công ước vẫn chưa có hiệu lực và chưa có nhiều nước tham gia (mới chỉ có 01 nước phê chuẩn và 02 nước ký gia nhập). Vì vậy, trước khi đưa nội dung này vào Chương trình hợp tác chính thức trong khuôn khổ các Nhóm Công tác ASEAN, các nước ASEAN cần có xem xét, đánh giá ban đầu về nhu cầu của quốc gia đối với Công ước cũng như tác động của Công ước đối với môi trường đầu tư và thương mại của các nước thành viên ASEAN. Việt Nam đề nghị Xinh-ga-po, với vai trò là nước đưa ra đề xuất này, xây dựng một Kế hoạch triển khai thực hiện để các nước ASEAN cùng tham khảo, nhằm xem xét việc đưa nội dung nghiên cứu, gia nhập Công ước về thỏa thuận lựa chọn tòa án vào hoạt động hợp tác về tăng cường tương trợ tư pháp trong khuôn khổ ASEAN.
Đề xuất của Xinh-ga-po về thành lập Nhóm công tác soạn thảo Luật mẫu ASEAN về thực thi hiệu quả Hiệp định ASEAN 2002 về Chống ô nhiễm khói mù xuyên biên giới
Tại ASLOM 16, sau khi nghe Xinh-ga-po trình bày về đề xuất này, nhiều nước thành viên, đặc biệt là In-đô-nê-xi-a cho rằng đây không phải là vấn đề thuộc chức năng của ASLOM cũng như ALAWMM. Do vậy, Hội nghị đề xuất Xinh-ga-po nên nêu Đề xuất này tại một diễn đàn khác phù hợp hơn, ví dụ Hội nghị Bộ trưởng về Môi trường.
Đề xuất về tăng cường cơ chế phối hợp và hợp tác với ASLOM về hài hòa hóa pháp luật thương mại trong ASEAN: cụ thể là đề xuất về hướng dẫn của ALA về điển hình tốt trong thực hiện phán quyết trọng tài trong ASEAN (ALA Guidelines on best practice on the enforcement of arbitration’ awards within ASEAN):
Việt Nam cho biết, đây là vấn đề mới và Việt Nam cũng như một số nước thành viên khác như Lào, Thái Lan, Myanmar… chưa nhận được các tài liệu cụ thể về đề xuất này; nội bộ các cơ quan trong nước của từng quốc gia cũng chưa có sự trao đổi, thống nhất và chưa có thời gian nghiên cứu kỹ... Cơ chế phối hợp giữa ASLOM và ALA trên bình diện khu vực (ASEAN) cũng như giữa các cơ quan pháp luật, tư pháp của từng nước với các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội nghề nghiệp trên bình diện quốc gia là vấn đề cần có thời gian để nghiên cứu, trao đổi thông tin và phối hợp cụ thể, tránh việc thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán và đặc biệt là hạn chế tính cát cứ trong việc triển khai các Sáng kiến chung ASEAN ngay giữa các thiết chế pháp luật của Hiệp hội này.
Kết quả Hội nghị
Sau 2 ngày đêm làm việc tích cực và khẩn trương (các phiên họp của ASLOM thường kéo dài sang cả buổi tối, Phiên cuối cùng kết thúc vào lúc nửa đêm), Hội nghị đã thảo luận và đạt được sự đồng thuận về mọi vấn đề có liên quan và thông qua báo cáo của ASLOM 16. Dựa trên các chương trình/ kế hoạch hoạt động đã thống nhất tại Hội nghị, các nước ASEAN sẽ tích cực phối hợp triển khai những nội dung cụ thể và đề xuất những Sáng kiến mới, chuẩn bị cho ASLOM 17 và Hội nghị lần thứ 10 Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN, dự kiến sẽ được tổ chức tại Malaysia vào cuối năm 2018.
Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp đưa tin từ Bali, Indonexia.
Các tin đã đưa:
Cuộc họp lần Thứ 6 Nhóm công tác về Sáng kiến Hài hòa hóa pháp luật thương mại giữa các nước ASEAN
Khai mạc Hội nghị lần thứ 16 Quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc sẽ dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN