Bộ Tư pháp họp báo về công tác tư pháp Quý III năm 2015

17/10/2015
Bộ Tư pháp họp báo về công tác tư pháp Quý III năm 2015
Sáng 16/10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thông báo về kết quả công tác tư pháp Quý III và phương hướng nhiệm vụ công tác tư pháp Quý IV năm 2015.

Tại buổi họp báo, ông Trần Tiến Dũng- Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết trong Quý III năm 2015, Bộ Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Nhiều lĩnh vực công tác của Bộ Tư pháp chuyển biến tích cực

Công tác xây dựng, góp ý, thẩm định VBQPPL được triển khai tích cực, góp phần nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo dự thảo VBQPPL. Trong Quý III/2015, các Bộ đã trình Chính phủ 14 dự án luật, pháp lệnh, trong đó, có 03 luật và 01 pháp lệnh do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo (Luật Tiếp cận thông tin, Luật Ban hành quyết định hành chính, Luật Đấu giá tài sản và Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 22 văn bản, bao gồm 11 nghị định, 01 quyết định, 09 thông tư, 01 thông tư liên tịch.

Bộ Tư pháp đã thẩm định 58 VBQPPL và 12 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; trả lời, góp ý 223 văn bản. Bộ cũng đã kiểm tra 452 văn bản của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có 12 văn bản là thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Bước đầu phát hiện 19 văn bản có dấu hiệu sai về nội dung theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP.

Công tác kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục đạt kết quả và từng bước vào cuộc sâu hơn với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Trong Quý III năm 2015, Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến, đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ 88/103 thủ tục hành chính (TTHC) tại 26 dự thảo văn bản (chiếm 85%); trong 23 dự thảo văn bản thẩm định có TTHC, đã đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ 63/67 TTHC (chiếm 94%).

Triển khai Kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ, 05/09 Bộ được giao rà soát, đơn giản hóa 13 nhóm TTHC trọng tâm đã hoàn thành phương án đơn giản hóa gửi Bộ Tư pháp tham gia ý kiến; 08/24 Bộ, cơ quan đã ban hành danh mục TTHC chuẩn hóa; 09 địa phương đã thực hiện rà soát và không có TTHC đặc thù, 38 địa phương đã ban hành danh mục TTHC đặc thù.

Kết quả công tác thi hành án dân sự (THADS) năm 2015 (từ ngày 01/10/2014 đến ngày 30/9/2015): về việc, số việc giải quyết xong trong số có điều kiện giải quyết là 533.985 việc, đạt tỷ lệ 89,08%, vượt 1,08% so với chỉ tiêu được Quốc hội giao (tăng 2.890 việc và tăng 0,61% về tỷ lệ so với năm 2014). Số việc chuyển kỳ sau là 257.427 việc, giảm 9.224 việc (chiếm 3,72%) so với số việc còn phải giải quyết của năm 2014 chuyển sang năm 2015; về tiền, đã giải quyết xong trong số có điều kiện giải quyết là 42.819 tỷ 191 triệu 766 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 76%, (tăng 3.837 tỷ 686 triệu 324 nghìn đồng).

Công tác hộ tịch nhìn chung được thực hiện theo đúng quy định. Trong Quý III năm 2015, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch và Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Bộ cũng đang tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết Luật Hộ tịch, đảm bảo tiến độ có hiệu lực cùng với Luật theo đúng yêu cầu của Luật Ban hành VBQPPL.

Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước giải quyết 1.555 hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam; 02 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam; 02 hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam và trả lời 779 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch cho Sở Tư pháp các địa phương; Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an; Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Về công tác nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đã giải quyết được 176 trường hợp người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ con nuôi nước ngoài tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Về công tác lý lịch tư pháp  (LLTP), đã nhận được khoảng 98.000 thông tin LLTP; tiếp nhận, kiểm tra, phân loại được khoảng 78.000 thông tin; tạo lập, cập nhật hơn 55.000 thông tin LLTP vào cơ sở dữ liệu lý lịch điện tử; lưu 3.975 hồ sơ LLTP bằng văn bản giấy. Tiếp tục tiến hành cài đặt phần mềm “Kiềng 3 chân” tại 21 Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hỗ trợ các Sở Tư pháp thực hiện tra 13.392 yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin LLTP về án tích, góp phần bảo đảm cho việc cấp Phiếu LLTP đúng và sớm hơn thời hạn Luật định.

Về Bồi thường nhà nước và Ủy thác tư pháp

Trong năm 2015, số tiền nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 16 tỷ 437 triệu 786 nghìn đồng. Ngoài ra, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 21 vụ án dân sự về bồi thường nhà nước (các vụ việc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước), đã giải quyết xong 14 vụ việc, với số tiền là 26 tỷ 098 triệu 663 nghìn đồng, còn 07 vụ việc đang giải quyết.

Trong năm 2015, tổng số yêu cầu ủy thác tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã gửi đi qua đầu mối Bộ Tư pháp là 3149 yêu cầu, trong đó đã có trả lời là 2126 yêu cầu, và 805 yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự của của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, trong đó đã có trả lời là 460 yêu cầu.

Trong Quý IV, Bộ Tư pháp sẽ tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm như: đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng các văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo phải trình Chính phủ, Thủ tướng trong Quý IV năm 2015; đẩy mạnh việc đôn đốc các bộ, ngành xây dựng các văn bản thuộc Danh mục các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 11 luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 và các văn bản còn nợ đọng; xây dựng các dự án luật, pháp lệnh theo Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tập trung rà soát các quy định của pháp luật trong nước để đề xuất sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP)…

Tại buổi họp báo, các phóng viên tới từ các cơ quan thông tấn, báo chí đã rất quan tâm tới các lĩnh vực công tác tư pháp của Bộ và đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực như: xây dựng Bộ luật hình sự sửa đổi (BLHS); bồi thường nhà nước; thi hành án dân sự...

Việc chuyển đổi tiền sang tù – vấn đề mới với Việt Nam – vẫn đang được cân nhắc, nghiên cứu

Thể hiện sự băn khoăn với một số quy định mới của dự thảo BLHS, có phóng viên đặt câu hỏi: căn cứ nào để quy đổi bao nhiêu tiền thay bao nhiêu thời gian tù trong dự thảo BLHS. Ông Trần Văn Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính cho biết: Dự thảo BLHS đưa nội dung này vào nhằm khắc chế những tình huống cố tình chây ỳ, không chịu thi hành án khoản tiền trong bản án, quyết định của tòa án. Việc chuyển đổi tiền sang tù, nếu ở nhiều quốc gia, số tiền cụ thể được tính bằng ngày công lao động làm cơ sở, thì tại Việt Nam, có thể trao quyền đó cho Thẩm phán, khi họ tuyên án sẽ đặt số tiền và hình phạt tù song song, cạnh nhau để công tác thi hành án thuận lợi. Do đây là vấn đề mới nên vẫn đang được thảo luận, nghiên cứu, cân nhắc thêm, và cũng có thể chưa đưa chế định trên vào BLHS sửa đổi lần này.

Cũng liên quan đến dự thảo BLHS, phóng viên báo Tiền Phong đặt câu hỏi về việc Án lệ đã được sử dụng rất lâu ở các nước, tại sao đến giờ các cơ quan chức năng mới nghiên cứu áp dụng án lệ. Về vấn đề này, ông Trần Văn Dũng cho biết: Việc áp dụng án lệ trên thế giới đã được áp dụng từ rất lâu, song do nó liên quan mật thiết đến quyền lợi người dân nên cần cân nhắc nghiên cứu, Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan chủ trì hoạt động xây dựng án lệ. Trên thế giới, phân biệt rõ hai hệ thống luật thành văn và án lệ. Trước đây, Việt Nam áp dụng hệ thống luật thành văn. Gần đây, xu hướng sử dụng cả hai hệ thống này dần phổ biến và thể hiện được những ưu việt trong công tác xét xử.

Các vụ việc bồi thường nhà nước năm 2015 phần lớn phức tạp

Với câu hỏi vì sao số vụ việc giải quyết xong bồi thường nhà nước tỷ lệ còn thấp, ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước- thông tin, về chủ quan, nhận thức một số bộ phận đơn vị, công chức về ý nghĩa, vai trò của bồi thường nhà nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức tham mưu cho hoạt động bồi thường 100% kiêm nhiệm.

Về nguyên nhân khách quan, Cục trưởng Nguyễn Văn Bốn cho biết, trong năm 2015, phần lớn vụ việc bồi thường nhà nước đều rất phức tạp, đòi hỏi phối hợp liên ngành cao. Số tiền mà người bị thiệt hại đưa ra thường rất lớn. Do vậy, các cơ quan chức năng mất nhiều thời gian để thương lượng, xác minh. Ngoài ra, bất cập nhất chính là hệ thống pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Bồi thường nhà nước, các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết còn nhiều bất cập.

Tại buổi họp báo, các vấn đề khác mà các phóng viên quan tâm như đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý, thi hành án dân sự, thừa phát lại... cũng được người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trả lời thỏa đáng.

Hoàng Vy Anh