Hội đồng tư vấn thẩm định dự thảo Quyết định TTCP về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng

14/09/2015
Chiều ngày 11/9/2015, Bộ Tư pháp tổ chức họp Hội đồng tư vấn thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng. Ông Lương Đức Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật sân sự kinh tế - chủ trì cuộc họp.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Ông Đỗ Trọng Kim, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Kiểm lâm trình bày dự thảo Quyết định quy định về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng. Dự thảo Quyết định gồm 4 chương, 14 điều với các nội dung cụ thể về: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, tổ chức lực lượng và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; đào tạo, tập huấn, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ; trang thiết bị, trang phục; phinh phí đảm bảo cho các hoạt động và một số chế độ chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; trách nhiệm của các Bộ, Ngành, địa phương; trách nhiệm của cơ quan Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, trách nhiệm của dân quân tự vệ, trách nhiệm của chủ rừng và hiệu lực thi hành.

Ngoài những nội dung trên, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo còn trình bày những vấn đề còn có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Hội đồng tư vấn thẩm định về căn cứ ban hành quyết định, tổ chức lực lượng bảo về rừng chuyên trách, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và mộ số chế độ khác của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

Tại Hội đồng tư vấn thẩm định, các thành viên đều nhất trí với sự cần thiết ban hành quyết định là nhằm tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng đặc biệt là diện tích rừng đã được giao, cho thuê, khắc phục hạn chế tồn tại là lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng hiện nay hoạt động còn yếu, chưa hiệu quả, do chưa có quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chưa được đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ và các trang thiết bị  cần thiết khác để lực lượng này có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ được giao; trong khi đó, thời gian qua các đối tượng vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng đã thường xuyên chống lại lực lượng bảo vệ rừng ở nhiều nơi, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.

Đa số ý kiến đề nghị xem xét lai việc quy định tổ, đội bảo vệ rừng, đặc biệt Hội đồng tập trung cho ý kiến đối với vấn đề chế độ của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách khi tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng, lấn chiếm rừng, đất rừng trái pháp luật và các hành vi của chủ rừng được giao, thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng nếu bị thương được hưởng chính sách như thương binh, trường hợp hy sinh thì được xét công nhận là liệt sĩ và được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các ý kiến cũng tập trung vào vấn đề kinh phí bảo đảm cho hoạt động của lực lượng bảo về rừng chuyên trách, tại Điều 9 dự thảo quy định chủ rừng có trách nhiệm bảo đảm kinh phí hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Tuy nhiên tại điểm b, khoản 3 Điều 11 của Dự thảo lại quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là bố trí nguồn kinh phí nhà nước ở địa phương, huy động các nguồn kinh phí khác để đảm bảo các hoạt động của lực lượng bảo về rừng chuyên trách. Các ý kiến cho rằng, ngay tại dự thảo quyết định còn tồn tại nhiều quy định mâu thuẫn nhau và yêu cầu cơ quan soạn thảo cần phải rà soát lại để quy định cho thống nhất.

Kết luận Hội đồng tư vấn thẩm định, Ông Lương Đức Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự, kinh tế đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo gia cố thêm Tờ trình để tăng thêm tính thuyết phục cho sự cần thiết ban hành Quyết định, đồng thời cần chỉnh sửa nội dung của Tờ trình và bản thuyết minh dự thảo quyết định sao cho thống nhất. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp ghi nhận những ý kiến góp ý, nghiên cứu, chỉnh lý, tiếp thu dự thảo Quyết định và có giải trình làm rõ những vấn đề không tiếp thu; cơ quan soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm định cũng như rà soát kỹ pháp luật hiện hành, để chỉnh lý những quy định trong dự thảo quyết định sao cho phù hợp và không trái với quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp 2013 và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về bảo vệ, quản lý và phát triển rừng./.