Huy động trí tuệ, đề cao trách nhiệm của thanh niên vào việc xây dựng dự thảo Bộ luật HS (sửa đổi)

08/09/2015
Huy động trí tuệ, đề cao trách nhiệm của thanh niên vào việc xây dựng dự thảo Bộ luật HS (sửa đổi)
Hôm nay (8/9), Bộ Tư pháp, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn “Phổ biến, lấy ý kiến thanh niên về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi)”.

Diễn đàn nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để nâng cao nhận thức của thanh niên về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết và các nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu trong dự thảo Bộ luật hình (sửa đổi), bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của thanh niên. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng về Diễn đàn này.

PV: Được biết hôm nay Bộ Tư pháp, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn phổ biến, lấy ý kiến Thanh niên về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), xin Thứ trưởng cho biết nội dung chính của Diễn đàn là gì?

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Do đối tượng mà Diễn đàn hướng tới là thanh niên nên nội dung của Diễn đàn sẽ tập trung giới thiệu, phổ biến về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết và các nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) mà trọng tâm là các quy định liên quan trực tiếp đến người chưa thành niên, qua đó lấy ý kiến thanh niên về các nội dung có liên quan đến dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).

PV: Mục đích mà Diễn đàn hướng tới là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Đây là Diễn đàn dành cho sinh viên và thanh niên, trong đó tập trung vào sinh viên, giảng viên trẻ các trường đào tạo chuyên ngành Luật trên địa bàn thành phố Hà Nội; thanh niên là cán bộ, công chức pháp chế các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; luật gia trẻ…

Mục đích tổ chức Diễn đàn nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để nâng cao nhận thức của thanh niên về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết và các nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của thanh niên. Diễn đàn cũng tạo cơ hội để thanh niên chia sẻ, nêu quan điểm, chính kiến của mình về một số nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm công dân của thanh niên. Từ đó, phát hiện những vướng mắc, bất cập, vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự liên quan đến thanh niên, đề xuất các giải pháp hoàn thiện. Việc tổ chức Diễn đàn này còn nhằm tăng cường, nâng cao ý thức của thanh niên trong tham gia xây dựng pháp luật, giám sát, phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật, chính sách liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của mình. Hy vọng thế hệ trẻ hôm nay với những ưu thế về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, điều kiện tiếp cận tri thức và khoa học công nghệ hiện đại sẽ tích cực đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, sát thực tế cho dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) tại Diễn đàn này.

PV: Thưa Thứ trưởng, Thanh niên sẽ là đối tượng chủ yếu chịu sự điều chỉnh, tác động của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) sau khi được ban hành, vì vậy Nghị quyết, Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã nhấn mạnh việc lấy ý kiến của sinh viên và thanh niên. Xin Thứ trưởng cho biết vị trí, vai trò của thanh niên trong việc tham gia đóng góp xây dựng dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) nói riêng và pháp luật nói chung?

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Trong các giai đoạn lịch sử, thanh niên luôn giữ vai trò quan trọng và luôn là lực lượng xung kích trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và kiến thiết đất nước. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò và vị trí của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Nhiều văn kiện quan trọng của Đảng ta đã xác định thanh niên giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người; thanh niên là rường cột của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong đợt lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, nhấn mạnh tới sinh viên và thanh niên; đây cũng là cơ hội để thanh niên tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và thể hiện trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật nói riêng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước nói chung. Qua đó, tạo tiền đề để tiếp tục huy động trí tuệ, tài năng sức trẻ của thanh niên trong các đợt lấy ý kiến Nhân dân vào các dự thảo chính sách, văn bản quan trọng khác (nếu cần thiết).

Việc tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) thông qua các hội thảo, hội nghị, diễn đàn hoặc gửi trực tiếp về trang tin điện tử Bộ Tư pháp không chỉ thể hiện trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước, đối với xã hội mà còn là cơ hội để mỗi người có điều kiện tự học tập, tìm hiểu, nâng cao tri thức hiểu biết pháp luật, góp phần giáo dục ý thức pháp luật cho thanh niên.

PV: Để thu hút Nhân dân, thanh niên tham gia rộng rãi vào việc lấy ý kiến dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), công tác phổ biến, thông tin, truyền thông cũng góp phần quan trọng. Thứ trưởng đánh giá thế nào về công tác này đối với việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nói riêng và các dự thảo văn bản luật khác nói chung trong thời gian tới?

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Phải khẳng định rằng, pháp luật đi vào đời sống hay không có vai trò rất quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Các quy định pháp luật thực định thì như vậy, còn đối với việc thông tin, phổ biến, truyền thông về các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các đạo luật lớn, có tác động rộng rãi, trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và những vấn đề cần lấy ý kiến theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, tôi cho rằng cũng phải có vai trò của công tác tuyên truyền, thông tin, phổ biến.

Nếu như trước đây, chúng ta chủ yếu tập trung vào tuyên truyền, phổ biến nội dung của các văn bản sau khi đã được ban hành thì đã đến lúc chúng ta phải chú trọng hơn vào khâu tuyên truyền, phổ biến trong quá trình hoạch định, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách, pháp luật để mọi người dân có thể tham gia vào ngay từ khâu đầu tiên của quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Việc tuyên truyền, thông tin, phổ biến, truyền thông để Nhân dân, thanh niên biết về nội dung, mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể thể hiện trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho Nhân dân, thanh niên nâng cao nhận thức, hiểu biết về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của các nội dung cần xin ý kiến, tạo cơ sở tham gia đóng góp ý kiến trúng, đúng, chất lượng hơn. Đặc biệt, các ý kiến góp ý của Nhân dân là thước đo mức độ phản ứng chính sách của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, giúp cho cơ quan soạn thảo kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, thấy được sự đồng thuận hay chưa đồng thuận của dư luận xã hội ngay từ khâu soạn thảo, ngay trong thời điểm văn bản chưa ban hành, chưa có hiệu lực để nhận diện mức độ khả thi, hiệu quả của các quy định đó; tạo cơ sở điều chỉnh chính sách phù hợp hơn, đảm bảo sau khi ban hành được thực thi thống nhất, đồng bộ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội trong tổ chức thực thi chính sách pháp luật, qua đó gắn công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thực thi pháp luật.

Vì vậy, tại Kế hoạch công tác PBGDPL toàn quốc năm 2015, Bộ Tư pháp đã chú trọng chỉ đạo, định hướng, thực hiện gắn kết nhiệm vụ thông tin, giới thiệu, phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật thực định với các dự thảo bộ luật, luật quan trọng được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2015 và năm 2016.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hồng Thúy + Nguyễn Thị Thạo (thực hiện)

Tháng 7/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết và Chính phủ ban hành Kế hoạch để chỉ đạo và tổ chức thực hiện lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân lần này có ý nghĩa, mục đích rất quan trọng nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hoàn thiện chính sách pháp luật về hình sự và sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.