Đổi mới để phát triển
Sau hơn 8 năm thực hiện Luật TGPL, công tác TGPL đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng thực tiễn cho thấy công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, cần được hoàn thiện trong thời gian tới. Vì vậy, tháng 6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là đổi mới công tác TGPL theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, khu vực tiến tới sau năm 2025 người thực hiện TGPL là luật sư hành nghề, bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được TGPL được cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, chất lượng tương đương với dịch vụ mà luật sư cung cấp trên thị trường; chuyển các Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) theo hướng từ việc chủ yếu cung cấp dịch vụ TGPL hiện nay thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL, tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ TGPL của Nhà nước.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh: với quan điểm đổi mới để phát triển, mục tiêu của việc xây dựng Đề án là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TGPL, đáp ứng những đòi hỏi của thực tế cuộc sống, phù hợp với điều kiện đất nước và đảm bảo lợi ích của đối tượng được TGPL. Để làm được điều này, Thứ trưởng cho rằng cần đổi mới tư duy, nhận thức về hoạt động TGPL, sớm hoàn thiện thể chế về công tác này để đảm bảo tính đồng bộ và khả thi, thực hiện công tác cán bộ theo những nội dung mà Đề án đã đưa ra…
|
|
Đồng tình với quan điểm này, Cục trưởng Cục TGPL Nguyễn Thị Minh khẳng định vai trò của TGPL đã được chứng minh, nhưng cùng với những thay đổi của thực tế cuộc sống thì đổi mới là yêu cầu nội tại của công tác TGPL. Trước mắt, cần đổi mới trọng tâm hoạt động TGPL, tập trung thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là tố tụng hình sự, hôn nhân và gia đình. Theo bà Nguyễn Thị Minh, đây là cách thức hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, đồng thời thay đổi cách nhìn của người dân về TGPL, đảm bảo đúng tính chất của TGPL trong đời sống xã hội.
Nhiều thách thức và khó khăn
Đồng tình với các mục tiêu của Đề án, tuy nhiên các đại biểu tham dự Hội nghị bày tỏ rất nhiều băn khoăn khi triển khai thực hiện trong thực tế. Đại diện Sở Tư pháp Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng tuy số lượng luật sư trên địa bàn khá đông, nhưng để thu hút lực lượng luật sư giỏi, có đạo đức, có bản lĩnh tham gia TGPL còn khó khăn, việc điều phối nguồn nhân lực đối với các luật sư cũng không dễ dàng. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho biết: Liên đoàn và các thành viên sẵn sàng tham gia đóng góp vào hoạt động TGPL. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng cần có Quy chế phối hợp về TGPL giữa các cơ quan tư pháp và các đoàn luật sư để việc phối hợp giữa hai bên được bài bản và hiệu quả hơn.
Về việc tinh gọn bộ máy của các Trung tâm TGPL, Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Ngãi Bùi Thị Lệ Thủy cho rằng “tinh” là phải “tinh chất”, giảm 15% tổng số biên chế chứ không thể yêu cầu giảm ở từng Trung tâm đều phải giảm, vì tình hình thực tế ở từng nơi là khác nhau. Theo Đề án, việc giảm biên chế của các Trung tâm không có nghĩa là giảm ra khỏi hệ thống nhà nước mà chỉ giảm trong số biên chế TGPL, nghĩa là số biên chế dôi dư sẽ được chuyển đổi sang các đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính của Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh… Tuy nhiên, theo đại diện Sở Tư pháp Quảng Nam, phương án này cũng rất khó thực hiện vì “không chuyển đi đâu được”, các cơ quan này cũng đều phải tiến hành xã hội hóa hoặc tinh giảm biên chế.
Một số vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm trao đổi tại Hội nghị là: theo lộ trình thì Đề án đã bắt đầu được triển khai, nhưng một số nội dung trong Đề án cần có quy định hướng dẫn cụ thể hơn để địa phương thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện; hoạt động TGPL cần được rà soát, đánh giá và đổi mới quyết liệt hơn, tránh chồng lấn với hoạt động PBGD ở địa phương; hoạt động của các Chi nhánh, Câu lạc bộ TGPL cần có sự đánh giá thêm về cách thức và hiệu quả thực hiện; Luật TGPL năm 2006 cần được sớm nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp, điều kiện kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.