Tổng kết 8 năm thi hành Luật trợ giúp pháp lý

16/06/2015
Tổng kết 8 năm thi hành Luật trợ giúp pháp lý
Sáng nay – 16/6, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị tổng kết 8 năm thi hành Luật trợ giúp pháp lý (TGPL). Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền chủ trì hội nghị, tham dự hội nghị còn có đại diện các Bộ, Ban, ngành có liên quan; đại diện một số UBND, Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm TGPLNN) tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; đại diện Liên đoàn luật sư và Hội luật gia Việt Nam; đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Qua 8 năm, hơn 980 nghìn lượt các đối tượng theo quy định được hưởng dịch vụ TGPL

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cho biết, Luật TGPL được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2007. Sau 8 năm thi hành Luật và hơn 40 văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để công tác TGPL đi vào cuộc sống. Luật đã đưa công tác TGPL trở thành cầu nối giữa chính quyền với Nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Luật đã có tác động tích cực trong việc thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, nhất là đối với người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần đáng kể vào sự ổn định, phát triển nhiều mặt của đời sống xã hội. Để triển khai Luật, hệ thống tổ chức thực hiện TGPL đã được hình thành trên toàn quốc, qua 8 năm, trên 980 nghìn lượt người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác trong xã hội được hưởng dịch vụ TGPL... Nêu lên những kết quả đạt được trong 8 năm thực hiện Luật, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế từ các quy định của Luật như: khái niệm TGPL không còn phù hợp, hệ thống TGPL chưa đảm bảo tính độc lập; chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý chưa cao; hình thức TGPL chưa rộng; chưa có chính sách hỗ trợ để thực hiện xã hội hóa công tác TGPL ...

   

Nhắc đến quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa được ghi nhận là một trong những quyền cơ bản của công dân và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được quy định tại Hiến pháp, đồng thời đề cập đến việc Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thừa nhận TGPL là một thành tố cơ bản của hệ thống tư pháp hình sự, quyền được TGPL được coi là quyền cơ bản của công dân, Thứ trưởng khẳng định việc nghiên cứu, sửa đổi Luật TGPL là rất cần thiết.

Thứ trưởng cũng đề nghị các đại biểu dự hội nghị tích cực trao đổi, thảo luận, trong đó tập trung vào kinh nghiệm trong nước và quốc tế, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập, yếu kém và xác định nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, yếu kém, từ đó đề xut những định hướng xây dựng Luật TGPL (sửa đổi) để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác TGPL, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu TGPL của người dân.

Cần mở rộng đối tượng được TGPL

Đề cập đến thực trạng và bất cập qua 8 năm triển khai thực hiện Luật TGPL tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn tỉnh, TGPL bằng hình thức tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng là chủ yếu. Đánh giá về chất lượng thực hiện các vụ việc TGPL của trợ giúp viên pháp lý và luật sư là ngang nhau. Tuy nhiên, đã trải qua hơn 8 năm thực hiện Luật TGPL nhưng chức danh trợ giúp viên pháp lý vẫn còn “rất mới mẻ” trong nhận thức của người dân mà họ quen với chức danh luật sư hơn. Do đó, ông cho rằng, cần chuyển đổi chức danh trợ giúp viên pháp lý thành luật sư nhằm giúp người dân dễ tiếp cận, hiểu rõ về hoạt động TGPL và để tạo điều kiện thuận lợi cho trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động nghề nghiệp của mình.

 

   

Đề cập đến đối tượng được TGPL theo Luật, ông Tịnh cho rằng, cần mở rộng đối tượng được TGPL đến hộ cận nghèo và các đối tượng sắp mãn hạn tù, vì trên thực tế nhu cầu của các đối tượng là hộ cận nghèo rất lớn và nhóm đối tượng sắp mãn hạn tù rất cần sự giúp đỡ pháp lý miễn phí trước khi họ trở về hòa nhập cộng đồng.

Cần đánh giá đúng vai trò của các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp đối với quá trình xã hội hóa hoạt động TGPL

Ông Dương Đình Khuyến, Phó Tổng Thư ký Hội luật gia Việt Nam cho biết, hiện nay có 12 Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc TW Hội và 63 Trung tâm tại địa phương trong toàn quốc hoạt động rất hiệu quả và đi đầu trong một số hoạt động như TGPL miễn phí cho các đối tượng nhiễm HIV/AIDS, TGPL cho các đối tượng sắp mãn hạn tù trở về tái hòa nhập cộng đồng... Tuy nhiên, việc tổng kết thực hiện luật TGPL vẫn chưa đánh giá đúng vai trò, mối quan hệ phối hợp và sự hội nhập giữa Hội Luật gia Việt Nam và các Trung tâm TGPLNN; chưa đánh giá đúng vai trò của các tổ chức chính trị chính trị xã hội, nghề nghiệp trong bối cảnh xã hội hóa hoạt động TGPL. Ông cho rằng, “Luật TGPL hiện hành mới chỉ xác định vai trò của Nhà nước là chủ yếu trong hoạt động TGPL, khuyến khích sự tham gia của các lực lượng xã hội khác, nhưng lại không có cơ chế khuyến khích, vì vậy không thu hút được sự tham gia của lực lượng xã hội và nếu có tham gia thì thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp”. Trong 8 năm qua, nếu huy động được các lực lượng xã hội tham gia nhiều hơn thì kết quả đạt được còn tốt hơn nhiều. Theo ông, nếu không đánh giá đúng được vai trò của các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, thì trong tương lai, chủ trương xã hội hóa hoạt động TGPL sẽ không định hướng được cần phải làm gì, làm như thế nào?.

 

   

Cũng cho rằng các luật sư tham gia hoạt động TGPL còn gặp nhiều khó khăn bởi thủ tục hành chính rườm rà, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam cho biết “có nhiều trường hợp luật sư đến các cơ quan có liên quan để thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý miễn phí thì các cơ quan này yêu cầu quay về thực hiện các thủ tục theo Luật TGPL”, ông đặt câu hỏi: như vậy là do sự bất cập của Luật hay do các cơ quan này không nắm rõ quy định của Luật? Ông Chiến đề nghị, cần đánh giá đúng những tồn tại, tổng kết những vấn đề có xung đột giữa Luật TGPL với Luật luật sư để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay. Ông cũng cho rằng cần phải cải cách Luật để không những thu hút được các lực lượng xã hội tham gia vào quá trình xã hội hóa hoạt động TGPL, mà còn khắc phục thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn trong quá trình hoạt động của luật sư.

   

Hội nghị diễn ra trong 1,5 ngày với nhiều chuyên đề tham luận của đại diện các Bộ, ngành, địa phương và chuyên gia đến từ một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam…

Hoàng Vy Anh