Hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam về người không quốc tịch và khả năng Việt Nam gia nhập công ước 1954 về quy chế người không quốc tịch

08/12/2014
Hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam về người không quốc tịch và khả năng Việt Nam gia nhập công ước 1954 về quy chế người không quốc tịch
Sáng nay (08/12), Bộ Tư pháp và UNHCR đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam về người không quốc tịch và khả năng Việt Nam gia nhập công ước 1954 về quy chế người không quốc tịch. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành có liên quan, một số các Sở Tư pháp, các chuyên gia của UNHCR.

Đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, quyền quốc tịch là một trong những quyền cơ bản và đầu tiên của một cá nhân khi ra đời. Quốc tịch thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cá nhân đó với quốc gia mà mình có quốc tịch và quyền, trách nhiệm của quốc gia đó với cá nhân mang quốc tịch của quốc gia mình.

   

Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này, các quốc gia và cộng đồng quốc tế đã ghi nhận quyền có quốc tịch của cá nhân trong hệ thống pháp luật quốc gia và các văn kiện pháp luật quốc tế như Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, Công ước về các quyền dân sự, chính trị theo hướng “mọi người đều có quyền có một quốc tịch” và “không ai bị tước quốc tịch một cách vô cớ”.

   

Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều quan tâm đến việc bảo đảm quyền của người không quốc tịch sinh sống trên lãnh thổ quốc gia mình. Chính vì vậy, tại Phiên đối thoại và rà soát về tình hình thực hiện các quyền con người theo cơ chế định kỳ phổ quát chu kỳ 1 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (UPR chu kỳ 1), Việt Nam đã nhận được khuyến nghị của các nước liên quan đến việc xem xét, phê chuẩn Công ước 1954 về Quy chế của người không quốc tịch và Việt Nam đã chấp nhận thực hiện khuyến nghị này với tinh thần nói trên. Thứ trưởng nhấn mạnh, để triển khai thực hiện khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nói riêng và hoàn thiện pháp luật về quốc tịch nói chung nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền con người, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu bước đầu về nội dung Công ước 1954 trên cơ sở phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước, tiến hành khảo sát về tình trạng người không quốc tịch tại một số địa phương tổ chức tọa đàm, hội thảo và tham vấn ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế, cán bộ quản lý, thi hành công vụ ở các cơ quan trung ương, địa phương về lĩnh vực này. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy còn nhiều vấn đề đặt ra đối với Việt Nam để gia nhập và thực hiện tốt các quy định của Công ước 1954.

   

Ông Nicholas Oakeshot, chuyên gia của UNHCR Khu vực Đông Nam Á, đã chia sẻ các thông tin về Công ước 1954 và kinh nghiệm của các nước khi gia nhập Công ước này. Theo đó, ngày 28/9/1954, Liên hợp quốc đã thông qua Công ước 1954 về Quy chế của người không quốc tịch, có hiệu lực từ ngày 06/6/1960. Đây là văn kiện quốc tế quan trọng với mục đích cải thiện tình trạng pháp lý và nâng cao vị thế của người không quốc tịch, bảo đảm các quyền cơ bản của con người đối với người không quốc tịch, hướng đến việc các quốc gia thành viên Công ước cấp quốc tịch cho người không quốc tịch hiện đang cư trú trên quốc gia mình.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thẳng thắn, cởi mở trao đổi và thảo luận tập trung vào việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về tình hình người không quốc tịch tại Việt Nam, từ thể chế pháp luật đến thực tiễn thi hành pháp luật; Nội dung Công ước và các yêu cầu đặt ra đối với quốc gia thành viên cũng như khả năng gia nhập Công ước, khó khăn, thuận lợi, lộ trình về thời gian và các công việc cần làm cho tới khi gia nhập của Việt Nam…