Hội nghị triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014

21/11/2014
Hội nghị triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014
Luật Công chứng năm 2014 được thông qua ngày 20/06/2014 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, để triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật, sáng nay (21/11), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Luật Công chứng có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, có ý nghĩa quan trọng góp phần tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập về thể chế, nâng cao chất lượng của hoạt động công chứng, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, đáp ứng được chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa hoạt động công chứng phù hợp với công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

   

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền khẳng định, để các quy định của Luật Công chứng 2014 nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn cho tổ chức và hoạt động công chứng như mục tiêu đề ra, trách nhiệm triển khai Luật Công chứng không chỉ phụ thuộc vào các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương mà còn của các Hội đồng công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng, các công chứng viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan đều phải góp phần tích cực vào quá trình triển khai Luật. Đồng chí cho biết, trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ đúng tiến độ dự thảo Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng, chủ động xây dựng và ban hành đúng tiến độ các Thông tư, Quyết định có liên quan để triển khai thi hành Luật kịp thời và có hiệu quả. Đồng thời Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2250/QĐ-BTP ngày 01/20/2014 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 với mục đích, yêu cầu, nội dung và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện Luật cụ thể.

   

Thứ trưởng nhấn mạnh, để Luật được triển khai kịp thời, có hiệu quả thì điều đầu tiên là nhận thức Luật phải đúng, đầy đủ và cần xác định đây là trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương không chỉ riêng của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp cũng như các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên. Điều này đòi hỏi các cấp bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước hết cần nhận thức một cách chính xác các quy định của Luật, đồng thời cần tích cực triển khai một cách đồng bộ, thống nhất các quy định của Luật trên toàn quốc. Kết quả triển khai Luật một mặt sẽ tháo gỡ những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thời gian qua, mặt khác tạo lập cơ sở vững chắc cho bước phát triển mới mang tính lâu dài, bền vững về tổ chức và hoạt động công chứng ở nước ta.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe phổ biến, giới thiệu những điểm mới và nội dung của Luật Công chứng 2014; quán triệt việc thi hành Luật và trao đổi ý kiến góp ý dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng như chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động công chứng tại địa phương.

   

Theo đó, phạm vi công chứng theo Luật Công chứng 2014 được mở rộng hơn so với Luật Công chứng 2006, bên cạnh nhiệm vụ công chứng bản dịch, công chứng viên cũng được giao nhiệm vụ chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản.Về tổ chức hành nghề công chứng, Luật tiếp tục ghi nhận 2 loại hình tổ chức là Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Tuy nhiên Văn phòng công chứng chỉ được tổ chức và hoạt động theo  loại hình công ty hợp danh, không có thành viên góp vốn. Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh theo thỏa thuận của các công chứng viên hợp danh. Đối với loại hình Phòng công chứng, Luật quy định chỉ được thành lập mới tại những địa bàn chưa có điều kiện phát triển được Văn phòng công chứng. Trong trường hợp không cần thiết duy trì, Sở Tư pháp lập đề án chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

   

Đồng thời, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người yêu cầu công chứng, giảm áp lực cho tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên trong quá trình hành  nghề, Luật quy định rõ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Ngoài ra Luật cũng có nhiều quy định chặt chẽ hơn, mới hơn về tiêu chuẩn công chứng viên; thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch; cơ sở dữ liệu công chứng, lưu trữ hồ sơ công chứng; phí công chứng, thù lao công chứng và các chi phí khác; quản lý nhà nước về công chứng, việc thi hành Luật và các điều khoản chuyển tiếp.

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ chủ trì thảo luận Hội nghị đã ghi nhận những ý kiến góp ý và giải đáp thắc mắc những nội dung được trao đổi tại Hội nghị, đồng thời cũng chia sẻ nhiều thông tin mới đang được các đại biểu quan tâm. Trên cơ sở Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, Cục trưởng đề nghị các đồng chí tham dự Hội nghị tham mưu cho Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh triển khai những nhiệm vụ cụ thể được phân công tronng Kế hoạch để Luật Công chứng 2014 được thực hiện kịp thời và hiệu quả.