Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền kiểm tra công tác giám định tư pháp tại Kiên Giang

01/01/0001
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền kiểm tra công tác giám định tư pháp tại Kiên Giang
Hôm qua (17/11), Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở cấp Trung ương về hoạt động giám định tư pháp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền làm Trưởng đoàn đã kiểm tra việc triển khai công tác này tại tỉnh Kiên Giang. Ông Lê Văn Thi, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở, ban, ngành của tỉnh Kiên Giang đã làm việc với Đoàn công tác.

Kiên Giang thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện Quyết định số 258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định 2161/QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản cần thiết cho việc triển khai hiệu quả công tác này, trong đó có việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và thành lập 02 tiểu ban tham mưu giúp việc cho Ban Chỉ đạo.

Báo cáo của tỉnh Kiên Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh có 02 tổ chức giám định tư pháp là: Trung tâm pháp y tỉnh thuộc Sở Y tế và Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh, ngoài ra còn có các giám định viên cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu thuộc các lĩnh vực như: Pháp y tâm thần, tài chính - kế toán, xây dựng, văn hóa... Để tăng cường đội ngũ giám định viên tư pháp, từ năm 2010 đến 31/7/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh đã bổ nhiệm 25 giám định viên tư pháp trong đó: Lĩnh vực tài chính - kế toán: 12 người, xây dựng: 01 người, kỹ thuật hình sự: 09 người, pháp y: 03 người; cùng với 19 giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính – kế toán do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm, nâng tổng số giám định viên toàn tỉnh lên thành 80 giám định viên.  Năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã đề nghị và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra Quyết định cấp thẻ giám định cho 42 giám định viên tư pháp trong tỉnh.

Chia sẻ về công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh, ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND cho biết: Công tác giám định tư pháp của Kiên giang trước đây rất khó khăn, chủ yếu là giáp định pháp y và ma túy. “Lúc đó, tôi là Giám đốc Công an tỉnh, có những vụ án nóng nửa đêm đích thân tôi gọi bác sỹ chuyên ngành (cả giám đốc bệnh viện) để giám định tử thi nhưng người ta ngại không đến vì họ quan niệm mổ tử thi xong thì không bệnh nhân nào dám để mình mổ!” - Ông Lê Văn Thi tâm sự. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng nhấn mạnh, những thành tựu hôm nay được vun đắp từ những kinh nghiệm khó khăn ngày trước, “Chúng tôi phải tuyển chọn và gửi đi đào tạo tại Hà Nội, Tp HCM những bác sỹ, giám định viên chuyên trách. Nay những khó khăn đó được khắc phục”. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhận định công tác giám định tư pháp hiện nay đòi hỏi phải áp dụng khoa học kỹ thuật nhiều ngành nghề nên địa phương chưa đáp ứng nổi. Cụ thể, giám định ngân hàng, công nghệ thông tin, độc chất, ma túy, xây dựng... Về tuyên truyền xã hội hóa công tác giám định tư pháp tỉnh cũng còn hạn chế vì địa phương chưa đáp ứng được cơ sở vật chất chuyên môn, nhất là con người. Về tài chính, tỉnh đã khoán, nhưng vì không đủ nên Công an phải điều chỉnh phân bổ ra tất cả các ngành cần giám định, chính sự thiếu hụt kinh phí này (năm 2013 thiếu gần 1 tỷ đồng - PV) đã  hạn chế hiệu quả công tác giám định tư pháp trong từng vụ việc cụ thể.

Ghi nhận và sẽ kiến nghị tháo gỡ những  khó khăn

Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đánh giá: Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã dành nhiều sự quan tâm đối với công tác giám định tư pháp, đúng với qui định của Luật Giám định Tư pháp đối với trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh. Thứ trưởng cũng nhận định phương pháp của vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với công tác này đã đổi mới nên công tác giám định tư pháp hỗ trợ tích cực cho công tác cải cách tư pháp. Điều đó chứng minh qua phát biểu của đại diện các ngành Tòa án và VKSND về việc đã yên tâm với kết quả công tác giám định tư pháp trong công tác truy tố và xét xử...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cũng nhận xét, những hạn chế của Kiên Giang trong công tác này là những hạn chế mang tính chất chung của công tác cải cách tư pháp mà cả nước đang gặp phải. Những hạn chế đó do qui định chung của Nghị quyết 49 của Bộ chính trị (hạn chế xã hội hóa một số ngành của hoạt động giám định tư pháp). Bên cạnh đó, Luật Giám định Tư pháp đã được ban hành và có hiệu lực nhưng một số văn bản hướng dẫn thi hành luật của một số Bộ, ngành chưa được ban hành khiến địa phương lúng túng trong công tác triển khai.

Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền ghi nhận những kiến nghị, khó khăn và thành công của Kiên Giang trong công tác giám định tư pháp để làm cơ sở báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhằm kiến nghị điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 49 phù hợp với công tác cải cách tư pháp hiện nay trên phạm vi tòa quốc.

Ngọc Long

Cũng trong ngày hôm qua, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang để kiểm tra tình hình triển khai công tác của các đơn vị này từ đầu năm đến nay. Sau khi nghe Sở Tư pháp Kiên Giang báo cáo công tác 10 tháng đầu năm 2014, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao công tác tư pháp Kiên giang trong thời gian qua, nhất là những thành tựu của ngành trong công tác cải cách tư pháp trong điều kiện thiếu biên chế và mong muốn Tư pháp Kiên Giang tiếp tục phát huy những kết quả này. Về những nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền yêu cầu Tư pháp Kiên Giang chú trọng công tác bổ trợ tư pháp, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, cải cách tư pháp... đồng thời chú trọng đổi mới cách làm việc cho tư pháp phường xã, quận huyện; đẩy mạnh phối hợp với công tác pháp chế của các sở, ngành trong tỉnh. Thứ trưởng cũng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Sở, giao cho các bộ phận chuyên môn của Bộ Tư pháp sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện.