Hội thảo về Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính

25/09/2014
Hội thảo về Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính
Trong hai ngày (22-23/9/2014), tại Khách sạn SeaStar quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, Bộ Tư pháp phối hợp với GIG đã tổ chức hội thảo về Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính (BHQĐHC) để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế cũng như tình hình thực tế tại các địa phương về ban hành quyết định hành chính và góp ý Dự thảo Luật ban hành quyết định hành chính.

Về dự hội nghị có ông Hoàng Thế Liên – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đại diện Viện khoa học xét xử - Tòa án nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch và một số cơ quan, ban ngành ở địa phương.
Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến từ thực tiễn, đồng thời, cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh, định hướng xây dựng luật (mức độ của định hướng khác với mức độ kiểm soát trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thế nào; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, sự công bằng, công khai, minh bạch trong quá trình ban hành QĐHC.

Xuất phát từ mục đích, yêu cầu và quan điểm chỉ  đạo, trên cơ sở nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật hiện hành cũng như quá trình thực thi pháp luật trong BHQĐHC ở nước ta trong thời gian qua, hội nghị đã chỉ ra được mục đích của việc xây dựng Luật BHQĐHC là nhằm tạo ra một công cụ pháp lý để phòng ngừa tham nhũng, bảo đảm khuôn khổ rõ ràng cho hành động của cơ quan hành chính, hạn chế sự tùy tiện trong quy trình ra quyết định hành chính của các cơ quan công quyền, phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa; là cơ sở pháp lý góp phần bảo đảm tính khách quan, dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, tạo thuận lợi cho việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, công dân.

Tại cuộc hội thảo đa số ý kiến đồng tình với sự cần thiết xây dựng Luật. Tuy nhiên, còn có một số ý kiến cho rằng chủ thể ban hành QĐHC rất rộng, không chỉ ở những cơ quan hành chính nhà nước mà cả cơ quan hành pháp, tư pháp; cần phải làm rõ được phạm vi điều chỉnh, làm rõ mối quan hệ giữa luật này với các luật khác liên quan. Luật phải giữ được 2 hai vai trò: đặt ra 1 số nguyên tắc để dựa trên những nguyên tắc đó đưa những QĐHC đã có vào trật tự chung; quy định những trình tự, thủ tục chưa có; phải có khái niệm về QĐHC, bảo đảm giảm bớt tính áp đặt, tăng cường tính hợp lý, khả thi.